Sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ nông sản vùng cao

BBK - Phát huy sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã, bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, hợp tác xã Hồng Luân, thôn Nà Lược, xã Tân Lập (Chợ Đồn) được đánh giá là một trong những HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả của huyện Chợ Đồn.
Bún khô Hồng Luân hiện đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

Bún khô Hồng Luân hiện đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

HTX Hồng Luân hiện có 27 thành viên. Khởi nghiệp từ năm 2018 với sản phẩm bún khô. Hiện nay sản phẩm này đã khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của HTX. Bún khô Hồng Luân được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt, thơm ngon, mềm dai, màu trắng sáng, giữ được hương vị của bún truyền thống, bao bì đẹp, tiện lợi.

Chị Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân chia sẻ: Để sản phẩm bún khô Hồng Luân phát triển như hiện nay, HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Nguyên tắc là dùng 100% gạo Bao thai mới, HTX đã liên kết trồng 40ha lúa Bao thai ở các xã phía Bắc của huyện, gồm: Tân Lập, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Nam Cường để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. Trong quy trình sản xuất, luôn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh bún khô truyền thống, chúng tôi phát triển thêm sản phẩm bún khô làm từ các loại cây, quả đặc trưng của địa phương, vừa bắt mắt, lại tốt cho sức khỏe.

Thông qua tiếp cận các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, HTX đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, nhà sấy tái tạo năng lượng mặt trời… để chủ động trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

HTX đã mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng như: Chè khô, măng khô, bánh khảo làm từ Khẩu Nua Pái. Các sản phẩm này đều là sản phẩm lợi thế của địa phương, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, HTX đã liên kết với 40 hộ dân trồng chè, 50 hộ dân cung cấp nguồn măng tươi và 10 hộ dân thu mua thóc nếp thơm. Đồng thời, chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, tham gia các hội chợ thương mại, chương trình quảng bá tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh giao dịch trên các sàn thương mại điện tử: voso.vn, backanmarket.vn, icheck.vn…

Hiện, các sản phẩm của HTX Hồng Luân đã có mặt tại các thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Phòng… và tiếp tục mở rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng doanh thu của HTX không hề giảm. Tổng doanh thu đạt hơn 01 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng.

Chị Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân bên cạnh các sản phẩm của HTX.

Chị Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân bên cạnh các sản phẩm của HTX.

HTX tạo việc làm cho nhiều thành viên, lao động địa phương với mức lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Chị Giá Thị Ương, thôn Nà Ngần, xã Tân Lập, thành viên của HTX Hồng Luân cho biết: "Tôi đã gắn bó với HTX Hồng Luân được nhiều năm. Khi làm việc ở đây tôi cảm thấy thoải mái, công việc nhẹ nhàng, vừa sức, tiền công được thanh toán đầy đủ theo ngày. HTX rất quan tâm đến đời sống của xã viên".

Năm 2023, HTX Hồng Luân định hướng tiếp tục đưa một số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; nâng hạng sản phẩm Bún khô Hồng Luân lên 4 sao OCOP; thử nghiệm sản xuất một số mặt hàng mới như hoa quả sấy; tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm…/.

Xem thêm

Video

Đọc báo in