Nhằm kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, Hội Đông y huyện Ba Bể đã thực hiện hiệu quả việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân.
Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, Hội Đông y huyện đã tích cực vận động các lương y, những người hành nghề thuốc gia truyền, cán bộ y tế đang công tác hoặc đã nghỉ hưu tham gia tổ chức Hội. Hiện nay, Hội có 15 cơ sở Hội và 01 chi hội trực thuộc với 331 hội viên. Việc khám, chữa bệnh bằng đông y được mở rộng, hoạt động xã hội hoá và công tác quản lý hành nghề có những tiến bộ đáng kể.
Bác sĩ Triệu Văn Trang- Chủ tịch Hội Đông y huyện cho biết: Các hội viên luôn nhiệt tình, áp dụng các bài thuốc hay, thuốc gia truyền, sử dụng những cây thuốc quý, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc để chữa bệnh cho Nhân dân có hiệu quả. Cùng với đó, Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng dược liệu, sử dụng thuốc nam chữa một số bệnh thông thường tại cộng đồng. Hiện nay nhiều hộ gia đình đã chú ý trồng nhiều loại cây thuốc trong vườn dùng để chữa bệnh.
Để kế thừa và phát huy những bài thuốc quý, thời gian qua, Hội đã vận động, khuyến khích những người có bài thuốc gia truyền có hiệu quả truyền lại cho con cháu, cống hiến cho Nhà nước hoặc cho Hội để bảo tồn, phát huy và tránh thất truyền. Tổ chức tọa đàm, hội thảo trao đổi kinh nghiệm khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đặt mua tài liệu, phổ biến những bài thuốc kinh nghiệm cho hội viên tham khảo. Sưu tầm được trên 90 bài thuốc chữa các bệnh về xương khớp, thần kinh, tăng huyết áp, gan, mật, tiết niệu, sinh dục... Tập huấn cho các lương y về kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến và bảo quản dược liệu...
Từ năm 2015 đến nay, các hội viên Hội Đông y đã hướng dẫn sử dụng thuốc nam cho trên 38.000 người; số thang thuốc điều trị cho người bệnh trên 18.000 thang; điều trị kết hợp Đông – Tây y cho trên 58.000 người; châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, đốt bấc, giác hơi... cho trên 10.500 người. Nếu như năm 2015, có khoảng 7.000 người thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, thì đến năm 2020 tăng lên hơn 17.400 lượt người. Qua đó cho thấy tính hiệu quả và sự tin tưởng của người bệnh khi lựa chọn phương pháp khám và điều trị bệnh bằng Đông y.
Bà Nông Thị Đôi- Chủ tịch Hội Đông y xã Bành Trạch cho biết: Bà con địa phương rất ưa chuộng và tin tưởng các loại thuốc Đông y, bởi hầu hết không có tác dụng phụ, người bệnh có thể tự sắc thuốc, đắp thuốc theo hướng dẫn. Đặc biệt đối với người cao tuổi, các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt... có thể thực hiện thường xuyên hằng ngày, giúp nâng cao thể trạng, tinh thần. Bản thân tôi luôn sẵn sàng chia sẻ những bài thuốc hay, nhất là việc sử dụng cây thuốc thông dụng trong vườn để phòng và điều trị một số loại bệnh thường gặp.
Vườn thuốc nam được xây dựng tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Ba Bể. |
Trong quá trình phấn đấu và rèn luyện y đức, nhiều hội viên đã nỗ lực, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đi khám bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân, điển hình như: Nguyễn Văn Quyết, Hoàng Minh Xưởng, Hoàng Văn Bằng, Cao Viết Thủ (thị trấn Chợ Rã), Đàm Thị Coi (xã Mỹ Phương), Triệu Thị Xuyến (xã Khang Ninh)... Chủ tịch Hội Đông y xã là cán bộ y tế kiêm nhiệm, mặc dù bận công tác chuyên môn nhưng vẫn dành thời gian tổ chức chỉ đạo hoạt động thực hiện tốt nhiệm vụ công tác của Hội như: Dương Văn Hổ (xã Chu Hương), Liêu Thị Bé (xã Địa Linh), Phạm Thị Quế (xã Nam Mẫu), Lường Thị Mai (xã Hoàng Trĩ)...
Để góp phần thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, Hội Đông y huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch phối với Trung tâm Y tế huyện trong việc xây dựng vườn thuốc nam, khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện 100% trạm y tế xã trên địa bàn xây dựng được vườn thuốc nam, trong đó có nhiều cây được trồng làm mẫu để hướng dẫn bà con nhận biết và nhân rộng tại vườn nhà.
Trong thời gian tới, Hội từng bước thành lập các chi hội Đông y tại thôn bản; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên, nghiên cứu áp dụng những bài thuốc hay, thuốc quý để chữa bệnh. Phát động phong trào trồng và sử dụng thuốc nam trong Nhân dân; hướng dẫn và vận động bà con tự trồng cây thuốc chữa bệnh tại gia đình với phương châm “Cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả, gia vị cũng là cây thuốc” để phòng và chữa bệnh khi cần thiết. Khuyến khích các lương y, lương dược đăng ký hành nghề Đông y, Đông dược tư nhân theo quy định của pháp luật, cống hiến khả năng, kinh nghiệm của mình vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.
Thu Hường