Công tác dân tộc:

Sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT để thực hiện tốt công tác dân tộc

BBK - Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC) với hai nội dung trọng tâm: Sắp xếp bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết công việc.

bdt.jpg
Sắp xếp bộ máy hợp lý, kết hợp với ứng dụng CNTT giúp Ban Dân tộc tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đặc thù công tác dân tộc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và hiện nay là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG) nên khối lượng công việc rất lớn. Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 10/5/2017 của Tỉnh ủy Bắc Kạn, năm 2018, Ban Dân tộc tiến hành sáp nhập 05 phòng chuyên môn thành 02 phòng. Đến năm 2022, thực hiện quy định của cấp trên, Ban Dân tộc tỉnh thành lập bộ phận Thanh tra, do biên chế của đơn vị ít nên chỉ bố trí 01 người. Hiện nay, về cơ cấu, tổ chức bộ máy, Ban Dân tộc tỉnh có 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban, 03 phòng chuyên môn với 14 biên chế và 02 hợp đồng.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Với khối lượng công việc lớn trong khi biên chế được giao thấp nên việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy cho hợp lý là rất quan trọng, vừa bảo đảm quy định của pháp luật nhưng vẫn đảm đương tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Chúng tôi luôn khuyến khích, động viên cán bộ, công chức trong đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và tinh thần, trách nhiệm với công việc được phân công”.

Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh được UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh giao thực hiện 54 nhiệm vụ, đến thời điểm này cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành và nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành trước thời hạn, đạt kết quả tốt. Không chỉ là cơ quan chủ trì tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG mà Ban Dân tộc tỉnh còn là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV. Một sự kiện chính trị quan trọng nhằm ghi nhận, biểu dương đóng góp của đồng bào DTTS đối với sự nghiệp chung của tỉnh. Một trong những giải pháp để đơn vị có thể vận hành tốt bộ máy triển khai các nhiệm vụ chính là việc áp dụng công nghệ thông tin vào công việc.

img-5620-561-8090-6973.jpg
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn Bắc Kạn luôn được thực hiện tốt.
Ảnh: Người dân thôn Tọt Còn, xã Cao Thượng được Bí thư Chi bộ thôn tuyên truyền chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Ngay từ đầu năm 2024, đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số, trong đó đề ra và giao nhiệm vụ cho các bộ phận chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đến nay, 100% cán bộ, công chức của Ban Dân tộc được trang bị máy tính để làm việc. Hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao đảm bảo phục vụ công việc thông suốt. Triển khai xây dựng phòng họp trực tuyến và đầu tư trang bị một số các thiết bị đầu cuối đảm bảo cho việc kết nối trên nền mạng Internet phục vụ các hội nghị trực tuyến.

Theo Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 07/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu (HTTTDL) về công tác dân tộc tỉnh Bắc Kạn”. Đến nay, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hoàn thiện HTTTDL và đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống phần mềm bao gồm các cơ sở dữ liệu theo nhóm, bộ chỉ tiêu chứa các dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số theo quy định của Ủy ban Dân tộc với 132 chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc; cơ sở dữ liệu được thu thập từ các sở, ban, ngành, huyện, xã, mỗi đơn vị được cung cấp 01 tài khoản để cập nhật dữ liệu lên hệ thống (19 tài khoản cấp tỉnh, 08 tài khoản cấp huyện và 108 tài khoản cấp xã). Các dữ liệu được đưa vào kho dữ liệu trung tâm, phục vụ mục đích khai thác của các đơn vị, địa phương và người sử dụng được phân quyền trong hệ thống.

“Việc ứng dụng CNTT sẽ tiếp tục được đơn vị đẩy mạnh, xem là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy, góp phần thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh”, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in