Tháng 10/2024, chị Phan Thị Tố Mười, Giám đốc HTX Tố Mười, xã Công Bằng (Pác Nặm) được Hội LHPN Việt Nam trao giải Khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp Vùng khu vực miền Bắc với mô hình “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm bún thổ cẩm”. Đây là vinh dự, tự hào và trách nhiệm để chị Mười nỗ lực đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã và các hộ dân liên kết.
Trong quá trình thực hiện dự án khởi nghiệp, chị Mười đã nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội LHPN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng bán hàng, tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ sản phẩm đăng ký dự thi cấp tỉnh, cấp trung ương.
Chị Phan Thị Tố Mười chia sẻ: "Trong quá trình khởi nghiệp, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội LHPN trong tỉnh. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi khởi sự kinh doanh thành công, tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên HTX, giúp chị em phụ nữ từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình".
Để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và giúp phụ nữ nghèo gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức 05 lớp tập huấn cho 250 hội viên với nội dung về kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo trong việc sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, như tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến nay, 100% cơ sở Hội trong tỉnh đã sử dụng được phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; dữ liệu về hội viên trên địa bàn tỉnh được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học. 100% Hội LHPN cơ sở thực hiện tuyên truyền, báo cáo hoạt động Hội trên zalo, facebook, fanpage. Hội LHPN tỉnh duy trì, phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh và fanpage Hội LHPN tỉnh. 100% Hội LHPN các huyện, thành phố và Hội LHPN cơ sở sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, triển khai các phong trào thi đua. 100% chi hội phụ nữ đã tạo lập các nhóm zalo để tuyên truyền kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều thành phần hội viên tham gia sinh hoạt Hội.
Thời gian tới, Hội LHPN các cấp trong tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể hội viên nhằm khích lệ, động viên phụ nữ tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”./.