Thưở nhỏ ông được người cha của mình là Nông Công Lương, một người thông hiểu chữ Hán và chữ Nôm Tày cho theo học lớp Nhất ở Trường Tiểu học Phủ Thông. Sau đó ông trở về nhà và được cha đón thầy đồ về dạy chữ Hán.
Theo Nhà thơ Dương Văn Phong, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, vào những năm đầu thập kỷ 40, thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lan rộng từ Cao Bằng sang các tỉnh lân cận, trong đó có Bắc Kạn, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, ông Nông Minh Châu đã đi theo cách mạng. Năm 1943, khi mới 19 tuổi, ông tham gia vào đoàn thể Việt Minh. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Cũng từ đó, ông gắn cuộc đời hoạt động của mình với Đảng, đất nước.
Trong cuộc đời hoạt động và công tác, ông Nông Minh Châu đã kinh qua nhiều chức vụ như: Từ tháng 3/1944 là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên; Ban Chấp hành Việt Minh; Bí thư UBND xã Thượng Quan; Ban Chấp hành Việt Minh Tổng Thượng Quan. Từ tháng 7/1947 là Ủy viên Ban Thường vụ Châu, Chánh Văn phòng Huyện ủy Ngân Sơn. Năm 1952 đi chiến dịch Tây Bắc rồi Thượng Lào. Từ 01/1954 ông là Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên Bắc Kạn, từ tháng 6/1956 là Trưởng ty Văn hóa Bắc Kạn (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn). Từ tháng 10/1957, ông là cán bộ phụ trách văn nghệ của Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc, Phó Giám đốc NXB Văn hóa dân tộc Việt Bắc.
Từ một thanh niên yêu nước và một người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng, đường lối của Đảng, với năng khiếu văn chương của mình, ông đã sáng tác thơ, văn để tuyên truyền, vận động Nhân dân làm cách mạng.
Sáng tác của nhà văn Nông Minh Châu luôn bám sát thực tiễn đời sống cách mạng, tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Số lượng tác phẩm của nhà văn Nông Minh Châu tuy không nhiều, nhưng đều có dấu ấn đáng ghi nhận, như truyện thơ: Cưa khửn đông – 1967 (truyện thơ dài 4.200 câu); tiểu thuyết Muối lên rừng (1964) - đây cũng là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam; tập thơ Tung còn và suối đàn (in chung với nhà thơ Hoàng Triều Ân) – 1953; tập truyện ký Tiếng chim gô (1979); tuyển tập Nông Minh Châu (2003); thơ Nông Minh Châu tuyển chọn (2005)… Ông từng có truyện ngắn: “Ché Mèn được đi họp” đạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1958). Bên cạnh đó, với trách nhiệm và tâm huyết của mình, nhà văn Nông Minh Châu còn có một số nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu vốn văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là những nghiên cứu về làn điệu Then của dân tộc Tày.
Trong lúc tài năng đang nở rộ thì nhà văn Nông Minh Châu mắc bệnh hiểm nghèo và mất vào tháng 3/1979, thọ 56 tuổi. Đối với văn học nghệ thuật Bắc Kạn, ông là một trong 3 nhà thơ, nhà văn đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng. Với những cống hiến và đóng góp đáng ghi nhận, ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng III và là Cán bộ lão thành Cách mạng.
Nhà văn Nông Văn Kim, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn cảm nhận: "Bản thân có trải nghiệm về cuộc sống khốn khó của những tháng năm chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng hậu phương thời kỳ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nên khi đọc những tác phẩm văn học của Nhà văn Nông Minh Châu, tôi như được sống lại một thời oanh liệt". Những tác phẩm của nhà văn Nông Minh Châu đã khai sáng, động viên những người như ông Kim - người con yêu văn chương thuộc dân tộc Tày. Ông Kim đã học tập nhà văn Nông Minh Châu mạnh dạn sáng tạo và thể hiện thành công một số tác phẩm văn xuôi của mình bằng tiếng phổ thông.
Tấm gương phấn đấu gian khổ, quá trình hoạt động cách mạng không mệt mỏi cùng với các tác phẩm nhà văn Nông Minh Châu đã để lại cho đời mãi là hành trang, nguồn động viên cho các thế hệ những người lao động sáng tạo văn học nghệ thuật học tập, noi theo./.