Tác giả Đinh Hữu Hoan. |
Cựu chiến binh Đinh Hữu Hoan là hội viên chuyên ngành Văn học của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn. Những năm tháng tuổi trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã làm đơn xin nhập ngũ và trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường.
Trong nhiều sáng tác về người lính, tác giả Đinh Hữu Hoan luôn đau đáu nhớ về đồng đội. Hình ảnh người lính trong thơ ông không chỉ anh dũng, can trường mà có đôi khi còn có sự ngây ngô của những chàng trai mới lớn.
“Bao năm rồi nhớ tết Bun pi May
Áo anh ướt vì được em té nước
Từ đó anh đi chiến trường xuôi ngược
Nắng Đồng Chum anh vẫn mát trong lòng
Đêm giao lưu em mời anh “phon Lăm Vông”
Anh bối rối vung tay ngượng nghịu
Chân ngập ngừng bước sai làn điệu
Em chỉ cười, thèn thẹn trách yêu anh…”
(Kỷ niệm Mường Lào- Đinh Hữu Hoan)
Trong nhiều lần có dịp được nghe tác giả Đinh Hữu Hoan đọc thơ, chúng tôi vẫn bồi hồi khi nhớ đến lời tâm sự của ông: Trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, có được độc lập tự do như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trả bằng rất nhiều xương máu đồng bào, chiến sĩ. Vì vậy cách mạng, người lính và các cuộc đấu tranh giữ nước là đề tài rất phong phú với thơ ca, có điều là ta khai thác ở góc cạnh nào và viết như thế nào. Một số bài thơ tôi viết về người lính như một sự thôi thúc, để tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc.
Trăn trở và tâm huyết như vậy, nên những ngày kỷ niệm về các dấu mốc lịch sử của dân tộc, tác giả Đinh Hữu Hoan lại bồi hồi. Năm tháng trôi qua, một vài ký ức đã dần phai nhạt, nhưng nỗi đau khi trực tiếp đưa tiễn đồng đội vẫn khiến người cựu binh già xót xa:
“Trận công đồn năm ấy, bạn nhớ không ?
Nửa tiểu đội mình đã không về được nữa
Nằm lại bìa rừng nơi chiến trường khói lửa
Và bây giờ mãi mãi tuổi hai mươi.
Tự hào thay bạn tôi đã một thời
Góp lửa làm nên lịch sử
Không ngại hiểm nguy, vào sinh ra tử
Vì dân tộc, vì non sông mà không tiếc cuộc đời...”
(Viếng thăm đồng đội- Đinh Hữu Hoan)
Tác giả Hà Sỹ Thuyết. |
Tác giả Hà Sĩ Thuyết, ở xã Quân Hà, huyện Bạch Thông cũng có thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Ký ức về năm tháng chiến tranh, đề tài người lính được ông gửi gắm vào các tác phẩm văn học, để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc. Ngoài ca ngợi hình ảnh “Người lính Cụ Hồ”, nhớ về đồng đội với hồi ức đau thương, ông còn làm thơ kể chuyện về người phụ nữ hậu phương, hay những thanh niên đã gửi lại thanh xuân giữa rừng Trường Sơn:
“Anh đi tìm em hoàng hôn rừng vắng
Lại nhớ về một thuở Trường Sơn
Đá núi tai mèo, khói lửa đạn bom
Em cáng thương binh dốc trơn mưa xối
Đường Trường Sơn nay đã thành huyền thoại
Tuổi thanh xuân gửi lại với con đường
Máu tim em nhuộm đỏ thắm hoa sim
Đốt lòng anh cháy ngàn muôn thương nhớ
Em nằm đâu cung đường xưa đạn lửa?
Sương chiều rơi bỗng mắt lệ rưng rưng.”
(Em gái Trường Sơn- Hà Sỹ Thuyết)
Viết bằng cảm xúc tự nhiên, chân thành nên tác giả Hà Sĩ Thuyết đã tạo được nét riêng trong sáng tác của mình, rất nhiều bài thơ của ông đã nhận được phản hồi tích cực của độc giả. Đọc thơ của tác giả Hà Sỹ Thuyết, độc giả ít thấy nhắc đến những gian lao, vất vả thời chiến mà chỉ thấy hình ảnh người lính Cụ Hồ anh dũng, sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân vì độc lập của dân tộc. Đó đều là những con người bình dị, họ không được nhớ mặt, nhớ tên, họ là hình ảnh của một thế hệ anh hùng, một thế hệ đã nằm xuống với bao hy vọng, khát khao gửi người ở lại:
“Chiến tranh đã khép rồi ai còn hát hành quân
Có hay quê hương đang từng ngày đổi mới
Người con gái thương anh nay lên bà vẫn đợi
Vẫn tin anh còn nhớ lối nẻo về…”
(Chiếc bình tông- Hà Sỹ Thuyết)
Tại Bắc Kạn, tác phẩm của những người cựu binh viết về đề tài nào cũng mang góc nhìn tươi sáng, họ không bi quan mà luôn mang tinh thần “Người lính Cụ Hồ” can đảm, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc. Những người lính cầm bút hôm nay đã và đang không ngừng chắt lọc cảm xúc, sáng tạo ra các tác phẩm chất lượng, từ đó tạo nên những dấu ấn của riêng mình trong dòng chảy văn học nghệ thuật Bắc Kạn./.