Đó là lời bộc bạch rất chân tình của cô giáo trẻ Kim Anh - Trường THCS Thạch Ngàn - huyện Con Cuông (Nghệ An). Giáo viên miền tây xứ Nghệ, họ là những con người có sức chịu đựng bền bỉ, kiên cường khi sống trong một túp lều tranh, một ngọn đèn dầu, không điện đài, không tivi, không quạt gió, lấy nước sông để dùng..., thế mà họ vẫn gặt hái được những thành quả không nhỏ trong sự nghiệp trồng người.
Xin trợ cấp một tháng... 2 lít dầu hoả
Ở huyện Con Cuông, giáo dục - đào tạo đang là vấn đề nóng hơn bao giờ hết, hiện tại huyện còn trên 20 trường mà điều kiện giảng dạy, sinh hoạt của giáo viên thiếu thốn đủ bề. Ông Lương Thế Trung - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện - tâm sự: "Mỗi lần đi khảo sát thực tế công tác giảng dạy ở các trường vùng sâu, chúng tôi lại càng day dứt vì cảm thấy mình chưa làm được gì nhiều".
Đến Trường THCS Thạch Ngàn, chứng kiến tận mắt nơi ăn, chốn ở của giáo viên, được nghe những lời tâm sự chân tình của họ, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu những khó khăn của các thầy - cô giáo trẻ. Khu tập thể giáo viên chẳng khác gì những "túp lều" dựng bằng tranh, tre, nứa, lá tạm bợ, vừa thấp lại vừa ẩm ướt.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thắng kể: "Những ngày đầu đến đây, anh em giáo viên phải tự dựng lều tạm để có chỗ nghỉ ngơi, học sinh - em đưa tre, em đưa nứa đến để giúp thầy cô dựng "nhà". Khu nhà ở của giáo viên thấp hơn sân trường, nên mỗi khi trời nắng là nóng và cát bụi cứ thổi thốc thẳng vào nhà, còn những lúc trời mưa to gió lớn thì rét cắt da, cắt thịt, trên thì dột, dưới thì đất nhão nhoét. Ở trong nhà cũng phải đội mũ, mặc áo mưa!
Phòng dạy học của giáo viên cũng là nhà tranh vách nứa, lớp học hầu như chỉ có mái che, bốn phía trống trơn. ở đây vì ẩm, nên mối mọt nhiều kinh khủng. Lúc giáo viên chuẩn bị lên lớp thì ăn mặc rất chỉn chu, đến khi rời bục giảng là đầu tóc, quần áo bạc phếch vì bụi mối mọt".
Nước sinh hoạt cũng là một vấn đề khó khăn. Ở trường Thạch Ngàn hay Bình Chuẩn, cứ đến mùa khô là thiếu nước trầm trọng. Cô giáo Lưu Thị Kim Anh kể: "Những lúc đó, giáo viên phải chuẩn bị can, xô, chậu để đi xin nước của nhà dân, gần thì cũng phải 1-2 cây số, xa có nơi phải đi 4-5 cây mới có nước. Ở đây cũng có giếng nước, giếng sâu hun hút, phải gần 20m, mà lúc nào cũng trơ đáy".
Còn như ở Trường THCS Môn Sơn, Lục Dạ, giáo viên phải dùng nước sông Giăng. Chứng kiến cảnh giáo viên Trường THCS Môn Sơn dùng nước sông Giăng để sinh hoạt, chúng tôi cảm thấy xót xa quá, đó là một thứ nước vàng, sẫm màu, rất đục và tanh mùi bùn.
Con Cuông đang còn rất nhiều trường, mà ở đó giáo viên chưa được dùng điện thắp sáng, thứ ánh sáng duy nhất để giáo viên soạn giáo án là ngọn đèn dầu tù mù, leo lét. Xã Bình Chuẩn có thuỷ điện, vậy mà lạ lùng thay, giáo viên ở tất cả các trường nằm trong xã lại chưa có điện để dùng (?).
Không điện đài, không tivi, không quạt gió, sách báo để nghiên cứu thì quá nghèo nàn, thử hỏi làm sao giáo viên có thể tiếp cận được những thông tin mới, những kiến thức mới để giảng dạy tốt?
Ông Hồ Sỹ Huệ - Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Con Cuông - cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi có đề xuất Công đoàn Giáo dục trợ cấp cho giáo viên vùng sâu Con Cuông 100 đài, 25 tivi đen trắng, và 2 lít dầu hoả cho mỗi giáo viên trong một tháng, nhưng đến bây giờ chưa thấy trên có hồi âm gì".
Im lặng một lúc lâu, ông nói tiếp: "Thật là thiệt thòi cho giáo viên vùng sâu quá, đến thời kỳ này mà chúng tôi còn xin trợ cấp dầu hoả cho giáo viên thắp đèn dầu để soạn giáo án, chuyện tưởng phi lý, nhưng thực tế nó sờ sờ trước mắt, nghĩ mà thấy nghề giáo ở đây thật bạc!".
Giáo viên miền tây xứ Nghệ là những người có sức chịu đựng bền bỉ, dũng cảm chống chọi với cái khó, cái khổ, với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Nói như ông Lương Thế Trung thì họ đang "cầm cự với cuộc sống".
Cô giáo Nguyễn Thị Thuý Hạnh - Trường THCS Bình Chuẩn - mới sinh cháu được 3 tháng, đã phải đưa con đến lớp, vừa giảng bài cho học sinh vừa trông con. Giờ giải lao giữa tiết, cũng là lúc cô cho con bú.
Thầy giáo Lay Văn Chín dạy học ở trường Bình Chuẩn được 3 năm, gia đình thầy cách trường khoảng 20km, nhưng mỗi năm thầy Chín chỉ về nhà có 2 lần vì không đủ tiền xe cộ. Có lần mẹ thầy Chín ốm nặng, các thầy cô giáo trong trường phải góp tiền để thầy Chín về quê thăm mẹ.
Cô giáo Ngô Thị Thuý - 38 tuổi, hơn 20 năm đi dạy - là giáo viên dạy giỏi 3-4 năm liền, đã luân chuyển qua 3 trường, nhưng đến giờ vẫn chưa được xét vào biên chế, không trợ cấp, không có chế độ ưu đãi cho giáo viên đã miệt mài cống hiến nhiều năm. Nghĩ làm nghề giáo viên như bước vào một ngõ cụt không lối thoát, cô tạm thời ngừng công việc giảng dạy, về làm ruộng cùng chồng để ổn định cuộc sống và chăm sóc con cái.
"Giá như họ được tạo điều kiện..."
Đã có một số giáo viên bỏ nghề vì cuộc sống quá khó khăn, nhưng đó chỉ là số ít. Cô giáo Hồng Nhung tâm sự: "Tuần đầu tiên lên đây nhận công tác, đêm nào mình cũng khóc, khóc vì mình có cảm giáo những mơ ước trước đây như sụp đổ trước mắt. Mình nghĩ thế là chấm hết rồi. Nhưng đến bây giờ mình cảm thấy gắn bó với vùng đất này, học sinh ở đây rất ngoan, mình muốn làm được một cái gì đó...
Có nhiều giáo viên mặc cảm mình là giáo viên vùng sâu, vùng cao, cũng có nhiều người có suy nghĩ giáo viên vùng sâu thì thế này thế kia. Đã bao đêm chúng tôi không ngủ, ngồi bên nhau cùng tâm sự và cùng nhen ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong lòng, chúng tôi khát khao được khẳng định mình, giáo viên vùng sâu cũng có thể dạy tốt, cũng có thể đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, và cũng có thể có nhiều học trò đoạt giải cao trong các kỳ thi, nghĩ đến đó, chúng tôi càng cố gắng hơn".
Năm đầu tiên đến Trường THCS Thạch Ngàn dạy, thầy Thắng đã tổ chức các lớp dạy thêm, dạy phụ đạo ngoài giờ, mà không hề màng đến tiền bạc. Những lúc được về thăm nhà, các thầy cô hay đi quyên góp quần áo cũ để đưa đến cho các trò nghèo.
Trong 4 năm đứng lớp, Kim Anh đã có 2 năm đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi. Cũng như vậy, thầy Giáo Nguyễn Ngọc Thắng, Lữ Trung Hải, cô giáo Lữ Mí Thành, Nguyễn Thị Châu Duyên là những giáo viên trẻ đã có 2-3 năm đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi. Năm dạy học đầu tiên, thầy Thắng đã có học trò đoạt giải nhất huyện môn lý lớp 7 (em Đặng Thái Ngọc).
Bộ môn văn của cô Kim Anh cũng có em Mơ được tham dự đội tuyển thi tỉnh. Dù còn rất khiêm tốn, nhưng đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của các thầy - cô giáo trẻ. Những thành quả bước đầu đó như liều thuốc tăng lực giúp các thầy - cô giáo có thêm tinh thần, sức mạnh để bước tiếp trên con đường "gieo chữ, trồng người" đầy chông gai.