Hộ gia đình ông Nông Văn Muộn bị ảnh hưởng khá lớn của việc sạt lở đất, diện tích bếp khoảng 10m2 bị đổ sập phần mái do đất phần taluy dương sạt lở gây thiệt hại, hư hỏng tài sản và nhà ở của gia đình.
Ông Nông Văn Muộn chia sẻ: “Sau nhiều trận mưa, ngày 25/6 toàn bộ đất đá sạt lở xuống làm đổ toàn bộ bếp của gia đình tôi, thiệt hại khá lớn. Sau khi xảy ra sạt lở, các lãnh đạo ở Tổ nhân dân, thị trấn Yến Lạc và huyện đã đến xem xét, động viên kịp thời gia đình, lập biên bản đề nghị gia đình không vào chỗ có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm khẩn trương xử lý càng sớm càng tốt khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn cho hộ gia đình tôi và các gia đình xung quanh.”
Bà Phạm Thị Thảo là hộ nghèo, năm 2023 từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank), huyện đã hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà. Hiện nay, do áp lực phần đất sạt lở phía sau đẩy vào tường nhà khu bếp nhà ở của bà Thảo xuất hiện vết nứt, cửa phía sau bị nghiêng, hư hỏng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản và sự an toàn của gia đình. Bà Phạm Thị Thảo, Tổ nhân dân Hát Deng, thị trấn Yến Lạc mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm xử lý tình trạng sạt lở đất ở phía sau nhà để gia đình yên tâm sinh sống...
Tại vị trí phía trên ta luy dương nhà ở của 04 hộ dân khu vực Tổ nhân dân Hát Deng cũng có nguy cơ bị sạt lở rất cao. Cùng với đó, có 08 hộ gia đình nguy cơ sạt lở đất đe dọa đến tính mạng, tài sản của các hộ dân. Qua đánh giá cho thấy, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến 15 hộ dân trong khu vực.
Qua trao đổi, ông Lương Thanh Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Mưa lớn thời gian gần đây khiến khu vực Tổ nhân dân Hát Deng, thị trấn Yến Lạc, khu dân cư dưới chân Đài Truyền hình huyện xảy ra sạt lở với cung trượt tương đối lớn. Huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Yến Lạc tổ chức lực lượng xuống hỗ trợ Nhân dân khắc phục ban đầu; đồng thời cắm biển cảnh báo và yêu cầu các hộ dân cam kết di dời đến nơi an toàn. Trước mắt, huyện đã báo cáo đề xuất với tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để tổ chức thực hiện khắc phục kịp thời. Trong các phương án của huyện cũng có việc di dời 02 hộ gia đình ở trên cung trượt có nguy cơ cao bị sạt lở nhà cửa và thực hiện phương án hót đất sạt lở sau khu dân cư để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hộ dân”.
Tuy nhiên, do yếu tố địa hình khá phức tạp, mái taluy phía sau của các hộ dân rất cao và phía trên có nhà ở của dân, nhà làm việc của Đài truyền thanh - truyền hình huyện, hiện nay khối lượng đất sạt lở chưa khắc phục và có nguy cơ tiếp tục sạt lở đất rất cao, gây mất an toàn đến kết cấu nhà ở, tính mạng của người dân.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân và ổn định lâu dài, UBND huyện đã có phương án, giải pháp thực hiện di dời khẩn cấp nhà ở của các hộ dân tại khu vực sạt lở; công trình nhà làm việc của Đài truyền thanh, truyền hình huyện; Trạm phát sóng di động mặt đất (BTS) có nguy cơ sạt lở, gãy đổ; cột ăngten phát sóng Viettel và tổ chức thi công công trình khẩn cấp (hót đất sạt lở, bạt mái taluy dương) để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhân dân.
Được biết, ngày 15/7, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở Tổ nhân dân Hát Deng, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì./.