Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện Chợ Đồn, toàn huyện có hơn 900 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 05 nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà bị hư hại. Trong đó nhiều ngôi nhà tại Bằng Phúc, Bản Thi, Đồng Thắng, Yên Thịnh bị đất đá tràn vào nhà. Đặc biệt đã có 219 ngôi nhà ở Nam Cường bị ngập. Theo ghi nhận, đây là trận lũ lịch sử khiến nước ở Nam Cường dâng cao kỷ lục từ năm 1986 đến nay, hơn 250 hộ dân đã phải di dời nhà ở, ở tạm tại nhà hàng xóm và các khu UBND xã, trường học, trạm y tế… toàn xã Nam Cường bị cô lập, 06 thôn vùng thấp bị ngập, 04 thôn vùng cao do sạt lở giao thông chia cắt…
Mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở ở nhiều nơi, các tuyến đường tắc cục bộ, nhiều quả đồi bị sạt lở và nguy cơ sạt lở khiến nhiều hộ gia đình buộc phải di dời khẩn cấp, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là xã Xuân Lạc. Đây cũng là xã có đông bà con dân tộc Mông sinh sống và là xã còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Đã có 37 hộ dân ở Xuân Lạc phải di dời khẩn cấp, tập trung ở thôn Tà Han (22 hộ) và các thôn Pù Lùng, Cốc Slông, Bản Ỏ, Bản Tưn… Tại Đồng Lạc cũng đã có hơn 30 hộ dân phải di dời khẩn cấp, Quảng Bạch 09 hộ, Yên Thịnh 07 hộ…
Trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, tinh thần chung tay, đoàn kết của bà con càng được thắt chặt. Khi nước lũ ở Nam Cường dâng cao, các hộ gia đình đã cùng nhau chung sức, đồng lòng di dời người, những vật dụng quan trọng đến nơi an toàn. Cùng chia sẻ những nhu yếu phẩm cần thiết tại những nơi ở tạm… Không tính toán thiệt hơn, họ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.
Ở các xã Xuân Lạc, Đồng Lạc, Quảng Bạch, hàng chục hộ dân cũng chung hoàn cảnh bị nguy cơ sạt lở uy hiếp, nhưng không ai cảm thấy đơn độc. Bà con đã chung tay hỗ trợ nhau di dời tài sản, dựng lán trại tạm để tránh nguy hiểm.
Trong những ngày căng thẳng đó, vì dân quên mình, đặt an toàn của người dân lên trên tất cả, lực lượng công an, quân đội đã được huy động 100%, trực tiếp giúp người dân tại vùng lũ, vùng nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, các đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm hỗ trợ bà con. Họ giúp di dời tài sản, tổ chức điểm tiếp nhận và phân phát hàng cứu trợ. Những chiếc áo xanh tình nguyện và màu áo bộ đội, công an hiện diện khắp nơi, từ những vùng nguy hiểm đến những điểm trú ẩn tạm thời, mang theo không chỉ là sức mạnh vật chất mà còn là động viên tinh thần, tiếp thêm hy vọng cho người dân.
Hơn 100 đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tìm về Chợ Đồn để chia sẻ với bà con những nhu yếu phẩm cần thiết. Mỗi gói mì, chai nước, bộ quần áo đều được gửi đến tận tay những người cần nhất. Chợ Đồn ngập trong mưa lũ, nhưng không thiếu tình người. Những chiếc xe cứu trợ lăn bánh không ngừng, những chuyến hàng được vận chuyển đến từng nhà, từng thôn bản một cách kịp thời và hiệu quả.
Biến cố thiên tai đã làm mất mát nhiều thứ, nhưng lại khơi thêm ngọn lửa đoàn kết, tương trợ. Những ngày qua, hình ảnh những chiếc áo xanh tình nguyện hay những người hàng xóm cùng nhau vượt qua khó khăn đã khắc sâu trong tâm trí của người dân Chợ Đồn. Trong lúc hiểm nguy, chính tình người đã giúp họ mạnh mẽ hơn, vững vàng vượt qua thiên tai.
Có lẽ, khi biến cố qua đi, bà con Chợ Đồn sẽ không chỉ nhớ về những thiệt hại mà cơn bão số 3 đã gây ra, mà còn là ký ức về tình đồng bào gắn kết, sẻ chia mà họ đã dành cho nhau. Chính những nghĩa cử cao đẹp ấy đã khiến cho cơn bão này không chỉ là một thử thách, mà còn là lời nhắc nhở rằng trong khó khăn, tình người vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất./.