Mở lối cho rừng trồng Bắc Kạn

BBK - Tỉnh Bắc Kạn là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước với hơn 100.000ha, trong đó đã đến tuổi khai thác khoảng 50.000ha. Chủ trương mở những tuyến đường lâm nghiệp của tỉnh thời gian qua đã giúp cho các địa phương nâng cao giá trị kinh tế, phát triển mạnh mẽ phong trào trồng rừng. 

Các nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án để bàn giao công trình trước Tết Nguyên đán 2024.

Các nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án để bàn giao công trình trước Tết Nguyên đán 2024.

Mở hướng phát triển kinh tế rừng bền vững

Kinh tế rừng được tỉnh Bắc Kạn xác định là khâu đột phá, trong đó mở rộng hệ thống đường lâm nghiệp được ví như “mạch máu” để hiện thực hoá mục tiêu này. Nhận định tầm quan trọng của hệ thống giao thông phục vụ phát triển lâm nghiệp, năm 2015 HĐND tỉnh đã thông qua Quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2015-2025 tỉnh Bắc Kạn quy hoạch xây dựng khoảng 350 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài hơn 1.208km.

Đến cuối năm 2021, tỉnh Bắc Kạn phê duyệt dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Ở giai đoạn này tỉnh sẽ đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 08 huyện, thành phố. Đến nay, dự án này đã hoàn thành hơn 600km đường lâm nghiệp, các tuyến đường đã góp phần tạo ra mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, tăng cường khả năng cơ giới hóa trong sản xuất. Tuy nhiên, theo dự án đã phê duyệt thì thực tế hiện nay còn hơn 400km khó có khả năng thực hiện do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Do đó, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định nghiên cứu bổ sung quy hoạch 296 tuyến với tổng chiều dài hơn 620km và xác định có 214 tuyến với tổng chiều dài hơn 428km đủ điều kiện, bảo đảm các tiêu chí, các yếu tố khả thi để bổ sung vào quy hoạch và đã được HĐND thông qua Quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030, bổ sung 214 tuyến đường mới với tổng mức đầu tư thực hiện Quy hoạch tăng từ hơn 600 tỷ đồng lên hơn 800 tỷ đồng. Có thể nói, đây là bước đi phù hợp của tỉnh Bắc Kạn để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp vốn là thế mạnh của địa phương,

Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Các dự án được triển khai phù hợp với Quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án không làm thay đổi mục tiêu cũng như tăng tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 54/NQ-HĐND tỉnh. Qua điều chỉnh, sẽ cắt giảm các tuyến đường chưa thực sự phát huy hiệu quả, theo đó lựa chọn đầu tư các tuyến đường có tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao hơn, qua đó phục vụ việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và các loại nông sản, kết hợp giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Ban QLDA ĐTXD công trình NN&PTNT tỉnh tăng cường giám sát chất lượng tuyến đường lâm nghiệp Pác Khum - Cốc Hón - Khuổi Lừa, xã Quân Hà (Bạch Thông).Cán bộ Ban QLDA ĐTXD công trình NN&PTNT tỉnh tăng cường giám sát chất lượng tuyến đường lâm nghiệp Pác Khum - Cốc Hón - Khuổi Lừa, xã Quân Hà (Bạch Thông).

Nâng cao giá trị rừng trồng

Có lẽ chưa bao giờ người dân ở thôn Lủng Coóc, xã Quân Hà (Bạch Thông) lại phấn khởi như mùa xuân năm nay, bởi hàng chục héc-ta rừng của bà con đang tuổi khai thác được Nhà nước đầu tư mở mới tuyến đường lâm nghiệp Pác Khum - Cốc Hón - Khuổi Lừa vào khu sản xuất. Từ khi có đường lâm nghiệp, gần 70 hộ dân của thôn Lủng Coóc hết sức vui mừng, vì đa phần cuộc sống của người dân dựa vào nông, lâm nghiệp. Trước đây không có đường, mỗi mùa trồng rừng phải dựa vào sức người để vận chuyển cây giống, phân bón lên rừng. Việc khai thác khi gỗ đến tuổi cũng hết sức vất vả, bởi ô tô, xe tắc-tơ không đến nơi được nên người dân phải cắt gỗ thành từng khúc để vác bộ ra bãi tập kết. Nay được đầu tư hơn 2,8km đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc và khai thác rừng trồng của bà con. Qua đó, giúp Nhân dân yên tâm phát triển kinh tế rừng.

Trưởng thôn Lủng Coóc, ông Hà Văn Nguyên không giấu được niềm vui: “Việc triển khai tuyến đường lâm nghiệp được người dân nhiệt tình ủng hộ. Bởi vì con đường mang lại nhiều lợi ích cho bà con, khi có đường giúp nâng cao giá trị của rừng lên khoảng 40%. Trước kia vận chuyển bằng xe máy chỉ chở được 5-6 khúc, mất nhiều công, chi phí cao lại nguy hiểm do đường mòn thì nhỏ mà gỗ chở lại cồng kềnh... Vì vậy, việc mở rộng mạng lưới đường lâm nghiệp sẽ tạo đột phá cho khâu khai thác gỗ rừng trồng ở địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới”.

Những năm trước đây, Nhân dân ở các thôn Pác Giả, Bản Chói, Cốc Quang, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển kinh tế rừng. Hầu hết những cánh rừng ở khu vực này có độ dốc cao men theo các khe suối, do không có đường nên người dân chủ yếu đi bộ để vào khu sản xuất. Khi có chủ trương mở tuyến đường lâm nghiệp Khuổi Ném, người dân ở 03 thôn này đã tích cực hiến đất, nhờ đó tuyến đường dài 1,5km, mặt đường rộng 4m đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả.

Có đường lâm nghiệp, việc vận chuyển gỗ đến các bãi tập kết được dễ dàng hơn.Có đường lâm nghiệp, việc vận chuyển gỗ đến các bãi tập kết được dễ dàng hơn.

Bà Phùng Mùi Lai ở thôn Pác Giả chia sẻ: “Người dân trong thôn nhận thấy đường lâm nghiệp mang lại lợi ích rất lớn nên đồng tình ủng hộ. Trong thôn đã có hàng chục hộ hiến đất, có những hộ đường xuyên qua giữa rừng của mình, diện tích làm mặt đường khá lớn nhưng đều vui vẻ ủng hộ. Tuyến đường lâm nghiệp Khuổi Ném hoàn thành đã tạo thuận lợi cho việc sản xuất, khai thác khoảng 150ha diện tích đất lâm nghiệp của các hộ dân 03 thôn Cốc Quang, Pác Giả, Bản Chói. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng cho bà con”.

Việc đầu tư các tuyến đường đã, đang và sẽ tạo thuận lợi cho bà con mở rộng diện tích và nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng. Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án này với đồng bào vùng cao và cả sự phát triển ngành lâm nghiệp của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm được hưởng lợi./.

Quý Đôn

Xem thêm

Video

Đọc báo in