"Làn gió mới" ở Khu Công nghiệp Thanh Bình

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên với tinh thần thực hiện nghiêm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển sản xuất, Khu Công nghiệp (KCN) Thanh Bình đã có một năm hoạt động hiệu quả.

Một góc KCN Thanh Bình.
Một góc KCN Thanh Bình.

Sau thời gian khá dài, các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình đều hoạt động cầm chừng, không những thế, còn để lại nhiều hệ luỵ mà việc giải quyết gặp rất nhiều phức tạp. Với quyết tâm giải quyết tồn tại, tạo mọi điều kiện thông thoáng, kêu gọi đầu tư, Ban Quản lý KCN Thanh Bình đã tăng cường chỉ đạo các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, đầu tư vào KCN; chỉ đạo rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các thủ tục pháp lý và đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã đăng ký đầu tư và đang đầu tư. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trong KCN; tổ chức xúc tiến đầu tư có chọn lọc, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là sản phẩm nông - lâm nghiệp.

Đến nay, KCN Thanh Bình đã đón nhận một làn gió đầu tư mới. Trong năm 2021, Ban Quản lý KCN Thanh Bình đã tham mưu cho tỉnh cấp 02 Quyết định chủ trương đầu tư và 02 Quyết định chấp thuận dự án đầu vào Khu Công nghiệp (Dự án Nhà máy sản xuất gỗ nội thất và pallet gỗ của Công ty TNHH Nam Á Bắc Kạn; Dự án Nhà máy chế biến bảo quản nông sản của Công ty TNHH nông sản Ba Bể; Dự án Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp và Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn Container – LVL). Đồng thời, cấp 2 Giấy phép xây dựng (01 Giấy phép xây dựng Công ty TNHH Nam Á Bắc Kạn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gỗ nội thất và pallet gỗ; 01 Giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam để thực hiện bổ sung dự án đầu tư xây dựng Xưởng sản xuất gỗ Lechenwood Việt Nam).

Sau 15 năm đi vào hoạt động, đến nay KCN Thanh Bình đã không còn diện tích trống, tạo thành một KCN chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông - lâm nghiệp, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Sản xuất hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam MISAKI.
Sản xuất hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam MISAKI.

Tổng số lao động tại KCN hiện nay khoảng 1.000 người. Trong đó, lao động địa phương chiếm khoảng 80%, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của KCN năm 2021 đạt kết quả cao. Cụ thể, sản lượng gỗ dán đạt hơn 100.446m3; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải 1.090 tấn; bột đá thạch anh 16.000 tấn; chiết nạp gas hơn 600 tấn... Tổng doanh thu hơn 1.030 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 triệu USD; nộp ngân sách hơn 28 tỷ đồng.

Ông Nông Đình Huân- Phó Giám đốc Ban Quản lý các KCN Bắc Kạn cho biết: Có thể nói, năm 2021 là năm hoạt động đạt hiệu quả cao nhất từ ngày thành lập KCN đến nay. Qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, sản xuất, chế biến chủ yếu hàng nông - lâm sản nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

                                                           Phan Quý

Xem thêm

Video

Đọc báo in