Ông Nông Minh Châu sinh ngày 09/01/1924 tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tên khai sinh là Nông Công Thỉ, được gia đình tạo điều kiện cho đi học từ nhỏ. Ông sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia đoàn thể Việt Minh khi mới bước sang tuổi 19. Ông là thế hệ nhà văn người dân tộc đầu tiên trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và khu vực miền núi phía Bắc nói riêng. Ông là một trong những nhà văn đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền VHNT tỉnh Bắc Kạn.
Ba người con của nhà văn Nông Minh Châu. |
Chăm chú lắng nghe và theo dõi chương trình, ông Nông Đinh Ngân, con trai cả của nhà văn Nông Minh Châu bồi hồi nhớ lại: Cha tôi đi công tác xa từ khi tôi còn nhỏ, năm tháng ấy đi lại rất khó khăn, nên có khi cả năm ông chỉ về phép một lần. Ông là một người cha tuyệt vời, ít nói và luôn luôn nhẹ nhàng, răn dạy tôi những điều thấm thía đến mãi sau này. Có lần tôi mải chơi, về nhà muộn, mẹ tôi cầm roi doạ đánh, cha tôi bảo: “Nói để con hiểu là được rồi, đừng đánh, trẻ con không biết đi chơi làm sao là trẻ con”. Từ lần ấy, mỗi lần đi đâu tôi đều chú ý thời gian để về nhà. Mỗi lần cha tôi về phép, tôi hay lẽo đẽo theo ông đi khắp xóm, ông quý trẻ con, lúc nào cũng kiên nhẫn với chúng tôi.
Còn với ông Đinh Nông My, con trai thứ hai của nhà văn Nông Minh Châu, ký ức về cha là tấm gương sáng về tinh thần học tập: "Tôi là con trai thứ hai nhưng theo họ mẹ nên tên là Đinh Nông My. Năm tháng ấu thơ tôi rất ít gặp cha, trong trí nhớ của tôi ông là một người rất ít nói, không bao giờ to tiếng. Ông còn biết làm ảo thuật, từ vài lá mận qua tay ông đã thành quả mận, hay biến một đoạn dây đã cắt thành dây lành… mỗi khi ông biểu diễn, tôi tự hào lắm. Thời gian tôi ở cạnh ông nhiều nhất là khi ông bị bệnh phải nằm viện, tôi khi ấy 14 tuổi xuống chăm ông gần ba tháng. Lúc ấy dù ông ốm mệt, khó thở nhưng hễ cứ ngồi dậy được là ông lại đọc sách. Ông đọc chăm chú và miệt mài, trong những câu chuyện của hai bố con, ông luôn luôn nhấn mạnh: Phải cố gắng học tập, có học mới thành người. Đặc biệt, khi ông nói chuyện với các con, ông chỉ sử dụng ngôn ngữ dân tộc Tày, ông nhắc nhở chúng tôi rằng phải luôn nhớ về nguồn cội".
Hội VHNT tỉnh tặng sách cho gia đình nhà văn Nông Minh Châu. |
Nhà văn Bùi Thị Như Lan đã xúc động chia sẻ tại chương trình Toạ đàm về nhà văn Nông Minh Châu, như nhắc nhớ về một người thân trong gia đình: "Tôi vinh dự tiếp cận ông từ thủa còn thơ bé. Khi ấy mẹ tôi là cán bộ của Xí nghiệp dược phẩm Bắc Thái. Hồi đó, nhà văn Nông Minh Châu làm ở Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc. Nhiều hội nghị của Khu Tự trị Việt Bắc, mẹ tôi là đại biểu tham dự. Đặc biệt, mẹ tôi là “đồng hương” dân tộc Tày, cùng quê Bắc Kạn với nhà văn Nông Minh Châu. Có lẽ vì thế mà ông là người gần gũi, thân tình với gia đình tôi. Mẹ tôi gọi nhà văn Nông Minh Châu là chú, tôi gọi nhà văn là ông trẻ".
Trong trí nhớ non nớt của tôi, nhà văn Nông Minh Châu rất điềm đạm, hiền từ, hay cười và đặc biệt là yêu quý trẻ con. Mùa hè năm tôi chừng 5 tuổi, đầu tôi mọc đầy mụn nhọt. Khoảng mấy ngày sau, ông mang xuống nhà tôi một bọc thuốc, gói trong giấy báo cũ cùng chiếc ấm đất. Ông chia thuốc làm ba loại, chỉ bảo, hướng dẫn cặn kẽ cho mẹ tôi. Mẹ tôi vâng dạ rối rít, cảm ơn ông, rồi lúng túng: “Chú à, chú giúp con lấy thuốc cho cháu, chỗ thuốc này hết bao nhiêu tiền, con xin gửi chú trả trên quê ạ”. Bất chợt, ông phẩy tay, mắng mẹ tôi: “Tiền nong gì, động tí là tiền à. Mày có nhiều tiền thế à cháu? Thuốc trên rừng người nhà lấy cho đấy, chữa cho con bé khỏi đi. May ra thì khỏi, không thì tôi sẽ bảo trên nhà lấy thêm lần nữa”. Cũng chính từ những gói thuốc chữa nhọt ấy, là một đề tài nghiên cứu khoa học, để nhóm dược sĩ trong Xí nghiệp dược phẩm nghiên cứu, chiết xuất và đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Nhà văn Bùi Thị Như Lan chia sẻ tại chương trình Toạ đàm. |
Tôi còn nhớ mãi, có lần nhà văn Nông Minh Châu trách mẹ tôi vì không dạy cho tôi tiếng dân tộc Tày. Ông bảo rằng: “Người dân tộc không biết nói tiếng dân tộc là mất gốc, suy thoái nền văn hoá”. Giờ đây với tôi, ông không những là người ông rất đỗi thân yêu, mà còn là niềm cảm hứng bất tận, sự tự hào để tôi vững bước sáng tác văn chương, góp phần cùng các nhà văn dân tộc thiểu số nói chung và quê hương Bắc Kạn nói riêng ngày càng phát triển trên chặng đường văn chương trong thời đổi mới, hội nhập".
Đã tròn 100 năm ngày sinh của nhà văn Nông Minh Châu, giờ ông đã đi xa nhưng hình ảnh hiền hoà, chính trực của người con Núi Hoa vẫn sống mãi trong ký ức của những người đã may mắn được gặp gỡ. Buổi tọa đàm đã tri ân, tưởng nhớ, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tiếp tục ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của ông cho Nhân dân, đất nước. Qua đó góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và tô đẹp thêm truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, con người Bắc Kạn./.