Khó khăn trong việc quản lý thị trường thuốc tân dược

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường hoạt động kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt… nhưng công tác quản lý thị trường thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều bất cập.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường hoạt động kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt… nhưng công tác quản lý thị trường thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều bất cập.


Theo thống kê của Sở Y tế Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có 156 đại lý, cơ sở kinh doanh thuốc tân dược tư nhân, 1 công ty dược được cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra còn có nhiều phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân hoạt động, trong đó có cả dịch vụ cấp, bán thuốc cho người bệnh. Cũng theo thống kê này thì hàng năm, số lượng các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược tư nhân xin cấp phép kinh doanh cũng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có thêm 3 cơ sở được cấp mới giấy phép kinh doanh thuốc và 3 cơ sở được cấp lại giấy phép. Sự biến động, đa dạng trong hoạt động kinh doanh loại mặt hàng này đòi hỏi ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng đề ra, thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ.

Đồng chí Hoàng Văn Linh – Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết: “Hàng năm, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động hành nghề Dược trên địa bàn. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra sử dụng thuốc tại tuyến xã nhằm đảm bảo đủ thuốc, chất lượng tốt, sử dụng đúng tuyến. Đồng thời triển khai các văn bản liên quan đến hành nghề dược tư nhân cho tất cả các cơ sở; chỉ đạo các cơ sở này triển khai thực hiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn về thực hành tốt (GPS), cụ thể là thực hành tốt nhà thuốc (GPP)”.

Hiện nay các đại lý, nhà thuốc, quầy thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh đang hoạt động phần lớn đều được Hội đồng xét duyệt cấp phép. Giá bán thuốc tại các nhà thuốc, đại lý, quầy thuốc này dựa trên cơ sở đấu thầu thuốc hàng năm. Nhưng qua tìm hiểu tại một số quầy, nhà thuốc cho thấy, với cùng một loại sản phẩm (tên thuốc, thành phần, trọng lượng, nhà sản xuất, hạn sử dụng…) giá bán chênh lệch nhau, có thể chênh lệch 2.000-3.000 đồng, nhưng có loại chênh lệch cả chục nghìn đồng. Đặc biệt là những thuốc đặc trị, thuốc ít thông dụng, hoặc hạn sử dụng ngắn.

Về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Linh cho biết thêm: “Mặc dù thuốc đã được đấu thầu nhưng trên thực tế ở nhiều nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân vẫn xảy ra tình trạng mua bán thuốc ngoài đấu thầu để trục lợi, trốn thuế của Nhà nước. Hoạt động này lại rất khó kiểm soát vì các nhà thuốc, quầy, đại lý thuốc đều có phương án đối phó”. Đối với các loại thuốc ngoài thầu, trốn thuế, khi bán ra thị trường các cơ sở kinh doanh thuốc có thể trục lợi gấp nhiều lần, trong khi các loại thuốc đã thầu lại phải chịu thuế nên các nhà thuốc đã tìm mọi phương án để đối phó.

Cụ thể như cất dấu các loại thuốc ngoài thầu, chỉ khi có khách hàng tìm mua mới bán, thay vào đó là bày ở gian hàng các loại thuốc trong thầu, đã niêm yết giá. Bởi vậy, khi các đoàn thanh, kiểm tra có tiến hành kiểm tra đột suất tại các cơ sở cũng không thể phát hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân mà còn làm tăng nguy cơ xuất hiện, cung cấp ra thị trường các loại thuốc không bảo đảm chất lượng.

Một vấn đề nữa là hiện nay, phần lớn người dân mua thuốc không theo đơn của bác sĩ, thay vào đó là mua theo kiểu tự khai bệnh, nhân viên nhà thuốc chẩn đoán, bán thuốc, hoặc mua theo đơn thuốc của những lần uống trước. Nếu khỏi bệnh thì lần sau lại sử dụng loại thuốc đó, còn không thì chuyển sang mua loại thuốc khác. Đây là vấn đề nguy hiểm đối với mỗi người bệnh, làm tăng nguy cơ lạm dụng thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thực tế là các chủ nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý có trình độ chuyên môn lại ít đứng ra bán hàng trực tiếp (ngay cả trong và ngoài giờ hành chính), thay vào đó là đội ngũ nhân viên bán hàng thiếu kiến thức chuyên môn sâu, một số có trình độ sơ cấp, trung cấp ít kinh nghiệm, thậm chí còn không có chuyên môn về Y, Dược, dẫn đến việc chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc cho người bệnh không đúng.

Đó là ở trung tâm các huyện, thị xã, còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng bán thuốc tân dược tràn lan tại các chợ lẻ, chợ phiên vẫn đang diễn ra. Phần lớn người bán hàng là tiểu thương từ các nơi khác đến, không rõ trình độ, kiến thức chuyên môn về Y, Dược; giá thuốc, chất lượng thuốc không được niêm yết, không rõ nguồn gốc... Tình trạng này kéo theo nguy cơ người dân mua, sử dụng phải những loại thuốc kém chất lượng, thậm chí là thuốc giả. Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giả, thuốc không có nguồn gốc rõ ràng, thuốc nhập lậu, nên việc cần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc tân dược tại các chợ nông thôn cần được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, ở các khu vực này, Phòng Y tế các huyện cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở nhưng không thể xử phạt nên các hoạt động này vẫn diễn ra. Một khó khăn là, để tiến hành kiểm tra, xử phạt các điểm bán hàng thì phải cần đến sự tham gia của đoàn liên ngành. Nhưng hoạt động kiểm tra, xử lý diễn ra không thường xuyên, trong khi các tiểu thương luôn có biện pháp đối phó, vì vậy tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.

Trong năm 2011, các hoạt động thanh, kiểm tra các quầy, đại lý kinh doanh thuốc tân được đã được Sở Y tế triển khai thực hiện. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý gần 10 cơ sở vi phạm một số quy định về hành nghề Dược. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hoạt động thanh, kiểm tra không diễn ra thường xuyên nên các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược rất dễ qua mặt các nhà quản lý. Cộng thêm, để đối phó với các đoàn thanh, kiểm tra, hiện nay các đại lý, nhà, quầy thuốc luôn có nhiều biện pháp đối phó tinh vi, khó kiểm soát như: cất dấu thuốc trốn thuế; chỉ bày bán những thuốc đã niêm yết giá…

Thiết nghĩ, để siết chặt hơn nữa công tác mua bán thuốc tân dược nói chung, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật về hành nghề Dược tư nhân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý cán bộ đăng ký hành nghề ngoài giờ hành chính, và chủ động kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Đây là giải pháp quản lý chặt chẽ các nhà thuốc, quầy thuốc. Cùng với đó là tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, để nâng cao nhận thức của người dân về thuốc và cách sử dụng thuốc, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Ở các chợ phiên, chợ lẻ, do lực lượng đoàn kiểm tra liên ngành còn mỏng, thiếu, thì chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp, tham gia quản lý, chấn chỉnh hoạt động mua bán thuốc tân dược./.

Trần Hạnh

Xem thêm

Video

Đọc báo in