Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng: “Kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Người coi kỷ luật Đảng là biện pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng. Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên.
Triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người rất hữu ích đối với ngành Kiểm tra Đảng, thể hiện ở chỗ: Về nguyên tắc, về quy trình thực hiện đúng quy định của Trung ương, của UBKT Trung ương, nhưng về phương pháp cần mềm dẻo và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, sẽ mang lại hiệu quả tốt trong giải quyết công việc.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, viết năm 1947, Bác Hồ có nói trong đối xử với nhau đừng có nặng nề, tránh thái độ đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm như đối với “hổ mang, thuồng luồng”, phải có tinh thần xây dựng yêu thương đồng chí, kỷ luật nghiêm nhưng phải có tình người. Tư tưởng đó chính là hồn cốt của tính nhân văn.
Mùa thu năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên, Chiến khu Việt Bắc lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã quyết định xử lý nghiêm vụ án Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và hai đồng phạm biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến; tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn xin tha tội, Bác Hồ khước từ: “Với loài sâu mọt đục khoét Nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Vụ án ngày xưa nay vẫn còn là “bảo bối” cho ngành Kiểm tra Đảng lưu tâm mỗi ngày.
Bác dạy: Tính Đảng, tính nhân văn trong kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm là để răn đe, ngăn ngừa và giáo dục với chính cả đối tượng bị kỷ luật và các tổ chức đảng, đảng viên nói chung để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của kiểm tra, giám sát là “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”. Do vậy người lãnh đạo, UBKT, cán bộ kiểm tra phải có phương pháp kiểm tra, giám sát thật dân chủ, khách quan, thận trọng, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải thật sự nhân văn, nhân bản trong công tác quan trọng đặc biệt này thì mới đem lại kết quả, hiệu quả cao nhất.
Mục đích của kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và kịp thời chỉ ra khuyết điểm để tổ chức đảng, đảng viên vi phạm khắc phục, sửa chữa và phòng ngừa những khuyết điểm nhỏ trở thành khuyết điểm lớn.
Đại hội XIII của Đảng, khẳng định: Những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được xử lý nghiêm minh, không có “ngoại lệ”, không có “vùng cấm”, tuy nhiên, việc xét xử lý vẫn đảm bảo thấu tình đạt lý, giữ nguyên kỷ luật Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là “một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”, “là một chức năng lãnh đạo của Đảng”, “mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng”, kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Ban Chấp hành Trung ương đã Ban hành Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng có quy định về những trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và bổ sung các trường hợp miễn xem xét, thi hành kỷ luật, như: Đối với đảng viên vi phạm trong thời gian mang thai, hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.
Đó chính là phương châm, tư tưởng chỉ đạo đối với ngành Kiểm tra Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT các cấp, vừa xử lý nghiêm minh không có “vùng cấm”, nhưng cũng rất nhân văn.
Mấy năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước đang quyết liệt thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc xử lý đảng viên và người vi phạm nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý, được Nhân dân đồng lòng ủng hộ. Mọi người đều ủng hộ, chia sẻ “Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt”, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, “nói đi đôi với làm”.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua (16/10/1948 - 16/10/2023), ngành Kiểm tra Đảng luôn kế thừa và phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ luật, kỷ cương và tận tụy”.
Hơn 26 năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh (01/01/1997) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBKT Trung ương, của các cấp ủy đảng, UBKT các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn không ngừng trưởng thành, luôn trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, kỷ luật, làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát...
Các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, luôn thấm nhuần lời dạy của Bác trong công tác kiểm tra của Đảng. Xử lý đảng viên vi phạm không vội vàng, không áp đặt, mềm dẻo trong phương pháp, giải thích, phân tích cho họ nhận ra khuyết điểm và có hướng khắc phục, với tinh thần nhân văn sâu sắc và theo hướng “trị bệnh cứu người”, yêu thương đồng chí, bất đắc dĩ mới phải kỷ luật cán bộ, đảng viên.
Cán bộ UBKT các cấp luôn thực hiện nghiêm túc quy trình công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Đó chính là tính nhân văn trong công tác kiểm tra Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đây luôn là mục tiêu quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng hôm nay và mãi mãi về sau./.
Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)