Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Tư vấn cho người dân về phòng, chống dịch bệnh tại Khoa khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh
Tư vấn cho người dân về phòng, chống dịch bệnh tại Khoa khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm đến nay, số người nhiễm bệnh tay - chân - miệng là 61 trường hợp, chỉ tính riêng tháng 7/2020 số người nhiễm là 51 trường hợp.

Ngày 23/6/2020 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có Công văn 829/VSDTTƯ-BTN về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh tay chân miệng ở khu vực miền Bắc. Theo công văn trên hiện nay tình hình bệnh tay - chân - miệng có xu hướng gia tăng, tính đến tháng 6/2020 toàn miền Bắc ghi nhận 220 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 27/28 tỉnh, thành phố, trong đó số mắc trong tháng 6 tăng gần 4 lần so với 5 tháng đầu năm 2020.

Trước tình hình bệnh tay - chân - miệng có diễn biến phức tạp, Sở Y tế Bắc Kạn đã có Công văn số 2201/SYT-NVY về việc tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh tay - chân - miệng với các nội dung chủ yếu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch. Điều tra, xử lý các ổ dịch theo đúng quy định. Tăng cường thu thập các mẫu bệnh phẩm, trong đó ưu tiên bệnh nhân có phân độ lâm sàng từ 2b trở lên và gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xác định tác nhân gây bệnh. Tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng cho người dân, đặc biệt là các trường mầm non trên địa bàn. Thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh và các trường hợp bệnh đúng quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay - chân - miệng đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm bệnh cũng biểu hiện triệu chứng. Độ tuổi bị tay - chân - miệng chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 3 tuổi. Lưu ý, các trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng dễ diễn biến nặng.

Đối tượng mắc bệnh tay - chân - miệng thường là trẻ em vì cơ thể trẻ có ít kháng thể hơn so với người lớn và khả năng miễn dịch cũng kém hơn khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Hầu hết người lớn đã được miễn dịch, song vẫn có trường hợp mắc bệnh ở đối tượng thanh thiếu niên và người lớn.

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh tay - chân - miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên mặc dù hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, nhưng một số trường hợp bệnh thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.../.

Hồng Hạnh

Xem thêm

Video

Đọc báo in