“ Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình, sáng tạo nghệ thuật không thể thiếu sự bứt phá, bản thân luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng, làm mới mình để độc giả không cảm thấy nhàm chán…” Đó là chia sẻ của nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly ( sinh năm 1991 – Chợ Mới, Bắc Kạn)- Hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn.
Nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly |
Những năm gần đây, cây bút trẻ Hương Ly nổi lên như một làn gió mới của thơ Bắc Kạn, đặc trưng trong thơ của chị là dùng cách viết hiện đại để biểu thị những điều gần gũi trong cuộc sống. Đọc những dòng thơ, ý thơ sâu sắc, trầm ngâm và chiêm nghiệm người ta thường nghĩ đến hình ảnh một nhà thơ dày dặn kinh nghiệm, từng trải trong cuộc sống… Thế nhưng khi gặp tác giả của những dòng thơ ấy ngoài đời, sẽ là hình ảnh một cô gái có nụ cười trong veo như trẻ thơ, ánh mắt lấp lánh và cách nói chuyện cuốn hút đến không ngờ. Khi nói về cái duyên đến với văn học nghệ thuật, chị như một người đang ôn lại những kỷ niệm khó quên của tuổi thơ, từng chút một chia sẻ về niềm đam mê của mình. Ngay từ những năm tiểu học, cô bé Hương Ly đã biết ngóng những số báo Thiếu nhi dân tộc, Thiếu niên tiền phong…Chiếc đài nhỏ như một vật báu những chiều đi chăn trâu về ngóng nghe đọc thơ, truyện ngắn của các bạn khắp nơi trên mọi miền qua chương trình phát thanh Văn Nghệ thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam. Khi ấy, với một tâm hồn nhạy cảm và khao khát muốn bộc lộ cảm xúc của bản thân, những vần thơ mộc mạc, trong trẻo đã ra đời, suốt 03 năm cấp ba thơ của chị lần lượt được in trên các mặt báo, các tác phẩm được tạo ra là để thỏa mãn niềm yêu thích, đam mê của bản thân. Như một cái duyên đã định sẵn, Hương Ly thi đỗ khoa Viết văn (Tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du) của Đại học Văn hóa Hà Nội, con đường đến với văn chương chuyên nghiệp của chị bắt đầu từ đây. Có năng khiếu, được đào tạo bài bản, bản thân cũng tự nhận thấy mình có trách nhiệm, chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Tuy tuổi còn trẻ, nhưng chị đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác của mình. Năm 2014, tập thơ “Đi qua tôi thật chậm” của Hương Ly đã đạt giải khuyến khích của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; chùm thơ “ Câu chuyện mùa mưa”, “Nhớ Pá” đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi thơ do báo Người Hà Nội tổ chức vào năm 2014. Không chỉ trong sáng tác thơ, cây bút trẻ Hương Ly còn là người có thành công trong các thế loại truyện ngắn, bút ký, tùy bút.. Năm 2012, với tùy bút “Trường nội trú trong sương” đã mang lại giải Ba cho chị trong cuộc thi Ngôi trường trong trí nhớ do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Ngoài ra, Hương Ly cũng là nhà thơ duy nhất của Bắc Kạn khi 03 năm liền có thơ được đọc trong “Sân thơ Văn Miếu” được tổ chức hàng năm vào ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nói về thơ của Hương Ly, anh Hoàng Chiến Thắng- Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Phùng Thị Hương Ly là một cây bút trẻ theo đuổi một lối viết khá lạ đối với nhiều tác giả trong tỉnh. Ở thơ của Ly tập trung nhiều về tứ, đặc biệt là cách làm mới câu từ hết sức cân nhất, đây là một tác giả có khả năng lập ngôn tốt. Có thể nói hiếm có nhà thơ trẻ nào lại có khả năng đưa nhiều vấn đề lớn vào trong thơ hết sức tự nhiên như Ly, nhưng nếu đọc kỹ bạn đọc sẽ thấy trong đó cũng có tính triết luận rất cao. Thơ của Hương Ly vừa thể hiện được cá tính sáng tạo vừa bộc lộ khả năng suy tư chiêm nghiệm về những vấn đề hết sức đời thường, song lại nâng tầm được vấn đề cần nói. Có thể khẳng định đây là một nhà thơ đã trưởng thành về cách viết, có được cho mình sắc tín văn chương.
Đọc thơ của chị, độc giả sẽ thấy rất gần gũi, những gì trong thơ gắn liền với cuộc sống đời thời giản dị của con người vùng núi, nhưng bằng sự sáng tạo, sử dụng lối viết hiện đại đã miêu tả những hình ảnh quen thuộc đó ở một khía cạnh khác. Những bài thơ như: Nghe người già kể chuyện, Thế giới đại đồng, Lời cuối, Gọi mãi câu thương… đều đưa người đọc đến nhiều cảm xúc khác nhau, khi thì bắt gặp tuổi thơ mình trong ấy, khi thì nắm được cảm xúc khắc khoải mong đợi, nhưng trên hết luôn có những bài học nhân văn sâu sắc, tình cảm với quê hương đất nước của tác giả qua những câu thơ như: “Ba mươi năm như thể hôm kia/ Củi lửa bén vào khôn nguôi thương nhớ/ Chiến trận chỉ còn là khái niệm không cần nhắc đến/ Sao đổi ngôi không đổi được bầu trời/ Về đi câu lượn Slương / Về để nghe đáp lại thật gần/ Lòng này như hàng trăm kiến đốt/ Lòng này biết bao giờ ngủ yên” (Trích: Gọi mãi câu thương – Phùng Thị Hương Ly).
Chia sẻ thêm về sự kết hợp độc đáo trong thơ, Hương Ly cho biết: Khi trở thành sinh viên và được đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều tác giả, tác phẩm có tư duy hiện đại nên cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng hồn cốt của dân tộc vẫn luôn trong tôi, viết theo hướng mới nhưng vẫn luôn pha vào đó nét đẹp, tình cảm dành cho quê hương, nhất là những hình ảnh mang truyền thống dân tộc được thể hiện rõ trong các tác phẩm. Trong quá trình phát triển nhanh và mạnh của xã hội nói chung cũng như văn học nghệ thuật nói riêng như hiện nay, Bắc Kạn cần nhiều hơn nữa những nhà thơ trẻ, tài năng và có tâm huyết cao với niềm đam mê mà mình đang theo đuổi như Phùng Thị Hương Ly. Tin tưởng rằng với tài năng cùng tinh thần học hỏi không ngừng của mình cây bút trẻ Hương Ly sẽ gặt hái nhiều thành công và cống hiến nhiều hơn nữa cho văn học, nghệ thuật của tỉnh.
Bích Phượng