Thầy giáo Hoàng Văn Vĩnh đang hướng dẫn học viên làm phép toán. |
Từ trung tâm xã Thượng Quan đến Điểm trường Sáo Sào hơn 10 cây số, đường tới trường vẫn là đường đất, nhiều đoạn dốc hẹp, ổ voi, ổ gà lớn nhỏ, nếu không quen địa hình, chắc tay lái thì việc di chuyển đến đây sẽ khá khó khăn.
Thầy Chu Thanh Tú, giáo viên dạy tại lớp xóa mù chữ ở Điểm trường cho hay: “Bình thường trời khô ráo, chúng tôi đi xe mất khoảng 30 phút, còn hôm mưa đi sẽ lâu hơn, nhưng không vì thế mà ngăn được bước chân của những giáo viên nhiệt huyết vẫn ngày đêm mang con chữ đến với đồng bào”.
Điểm trường Sáo Sào nằm trên triền đồi cao gồm 02 lớp ghép, ban ngày là giờ học chính của các em học sinh tiểu học, còn chiều tối trở đi là thời gian học của lớp xóa mù chữ. Hơn 16 giờ chiều, lớp học bắt đầu và kết thúc vào 19 giờ tối, lớp có 18 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông ở nhiều độ tuổi khác nhau, người ít nhất 30 tuổi và lớn nhất là 54 tuổi, trong lớp có 03 cặp vợ chồng đang theo học. Ở đây, có học viên phải đi bộ tới 6 cây số, nhưng vì cái chữ, hằng ngày họ vẫn không quản ngại khó khăn, đều đặn đến lớp, thậm chí còn gói theo cả cơm để đi ăn.
Hai vợ chồng học viên chị Linh Thị Súng và anh Lương Văn Tình cùng học lớp xóa mù chữ. |
Thầy giáo Hoàng Văn Vĩnh, giáo viên dạy Toán là người lên lớp từ những ngày đầu tiên cho hay: “Lần đầu tiên tiếp xúc với cái chữ, con số, các anh, chị học viên rất hào hứng, chú tâm lắng nghe, tuy nhiên do ở độ tuổi khác nhau nên việc tiếp thu cũng khác nhau, có người tiếng phổ thông hạn chế nên việc truyền dạy mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi phải nhờ đến người phiên dịch, sử dụng đồ dùng trực quan cho dễ hiểu. Sau vài tháng, các anh chị cơ bản biết đọc, biết viết, cộng trừ các phép tính đơn giản”.
Một giờ học của lớp xóa mù chữ tại Điểm trường Sáo Sào. |
Tại lớp học xóa mù chữ có 03 thầy cô giáo thay phiên nhau lên lớp, các thầy cô đi lại trong ngày, hôm nào mưa gió thì ở lại Điểm trường, thầy Chu Thanh Tú, phụ trách môn Tiếng Việt chia sẻ: “Khi làm quen với chữ cái, chúng tôi phải cầm tay uốn nắn từng chữ, cho thực hành trên bảng viết, bảng con nhiều lần, tập ghép vần, đánh vần cho đến khi thuần thục”.
Các học viên dù rất bận việc nhà nhưng vẫn bố trí thời gian để đi học. |
Cũng theo các thầy cô chia sẻ, quá trình dạy có học viên do nhận thức chậm nên dễ rơi vào tình trạng nản chí, với trường hợp như vậy thầy cô lại phải tìm ra phương pháp giảng không lệ thuộc vào sách vở để học viên hiểu bài, như vậy học viên mới tiếp tục theo học.
Duy trì sỹ số lớp học cũng là nhiệm vụ mà trường hết sức quan tâm, hôm học viên vắng mặt, thầy cô phải tìm hiểu lý do, động viên để học viên đến lớp, có kế hoạch quan tâm, bồi dưỡng, củng cố lại kiến thức.
Bà Đào Thị Thàng, 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất ở lớp phấn khởi cho hay: “Tôi đi học thấy vui lắm, vì biết cái chữ, biết tính toán mà không phải phụ thuộc người khác, tôi rất biết ơn các thầy cô giáo, Đảng và Nhà nước”.
Cô Chu Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Thượng Quan. |
Cô Chu Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Thượng Quan cho biết: “Lớp học hiện còn 18 người đang theo học, chúng tôi bố trí lớp học vào buổi tối để phù hợp với điều kiện của các học viên, thường xuyên thăm nắm tình hình học tập, động viên các anh chị khắc phục khó khăn để duy trì việc tới lớp. Kết quả sau gần 06 tháng, nhiều học viên đã biết đọc, biết viết, đây là cơ sở để tiến tới đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1”.
Chị Linh Thị Súng, lớp trưởng lớp học xóa mù chữ. |
Lớp học xóa mù chữ tại thôn Sáo Sào nằm trong chương trình MTQG, thời gian đào tạo là 09 tháng, trình độ từ lớp 1-3, có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào nơi đây. Lớp học đã giúp người dân nhận thấy tầm quan trọng của việc biết chữ chính là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo./.