Dòng sông Cầu được ví như "lá phổi xanh" của thành phố. |
Theo một số người cao tuổi ở thành phố Bắc Kạn trước kia dòng sông Cầu luôn đầy ắp nước và trong xanh không chỉ tạo cảnh quan cho thành phố mà dòng sông còn bù đắp phù sa màu mỡ cho người dân hai bên bờ canh tác rau màu, trồng hoa, dòng sông còn góp phần quan trọng trong việc cân bằng môi trường không khí, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả thành phố.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa cũng như các công trình thủy điện, thủy lợi ngăn dòng đã trực tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy và lưu lượng nước của dòng sông, có những thời điểm dòng sông Cầu gần như cạn trơ đáy chính từ những nguyên nhân này đã tác động trực tiếp đến môi trường sống đặc biệt hơn là ý thức của con người trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường của dòng sông chưa được nâng cao.
Nhiều các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hàng quán dọc hai bên bờ sông, nhiều công trình lớn đang được thi công đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sông Cầu. Một trong những nguyên nhân đã được chỉ rõ đó là hệ thống các cống thoát nước từ các khu vực dân cư hai bên dòng sông cũng là tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước...
Để đảm bảo môi trường, nguồn nước dòng sông Cầu, ngày 25/4/2023 UBND tỉnh đã có Công văn số 2514/UBND-NNTNMT về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Cầu. Theo đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, tập trung xử lý, giải quyết tốt các nội dung liên quan đến vấn đề rác thải, ô nhiễm. Chỉ đạo UBND các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân sinh sống dọc hai bờ sông Cầu có ý thức bảo vệ môi trường cho nguồn nước sông Cầu, không xả rác thải sinh hoạt, đất đá thải, phế liệu xây dựng, phụ phẩm thải nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống sông đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn.
Theo Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông có diện tích 6.030km bao gồm gần như toàn bộ các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và một số phần của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội. Dòng sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Kạn với chiều dài 103km.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, công tác quản lý, bảo vệ môi trường sông Cầu đã được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường dòng sông Cầu đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Kạn cần hơn nữa sự quan tâm của các ngành chức năng đặc biệt tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nhất là khu vực nông thôn dọc hai bên bờ sông chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các phong trào bảo vệ môi trường trong thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới hiện nay./.