Một góc nông thôn xã Cổ Linh (Pác Nặm). |
Công tác bảo vệ môi trường ở các khu vực thành thị, nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đối với UBND thành phố đã xây dựng Đề án thu gom rác thải sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa tại 04 phường nội thị và một số thôn, tổ lân cận, ký hợp đồng với 02 đơn vị thực hiện xử lý môi trường đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, việc xử lý rác thải sinh hoạt đã được thu gom, xử lý bằng công nghệ lò đốt...
Người dân xã Vi Hương (Bạch Thông) ra quân tổng vệ sinh môi trường. |
Bên cạnh đó việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tỉnh chú trọng thực hiện. Cụ thể như việc xử lý 01 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại Bản Vén, xã Đôn Phong (Bạch Thông). Thực hiện rà soát, điều chỉnh dự án của 04 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh...
Phong trào bảo vệ môi trường ở khu dân cư được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. |
Đối với các huyện, phong trào bảo vệ môi trường như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh; đẩy mạnh thực hiện phong trào “3 sạch” của Hội Phụ nữ các cấp đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang triển khai thực hiện trên 70 mô hình ở khu dân cư như mô hình “Vệ sinh môi trường khu dân cư”; mô hình “Khu dân cư tự quản đảm bảo môi trường; mô hình “Con đường tự quản”; mô hình “Làng sức khỏe”; mô hình “Bảo vệ môi trường, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, vệ sinh đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”; mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường, gắn với biến đổi khí hậu”...
Bắc Kạn: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tình hình phát sinh và xử lý chất thải, tổng lượng chất rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 197.908,3 tấn/năm. Trong đó, có 59,5 tấn chất thải nguy hại; 74.628,2 tấn chất thải rắn sinh hoạt thông thường; 109,3 tấn chất thải rắn y tế; 123.111,3 tấn chất thải rắn công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 08/08 huyện, thành phố được đầu tư công trình kết cấu hạ tầng và lò đốt rác thải sinh hoạt.
Việc thực hiện tiêu chí môi trường không đòi hỏi phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân. Trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có 77 xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm), đến hết năm 2022 có 31 xã đạt tiêu chí này, mục tiêu đến hết năm 2023 phấn đấu có thêm 46 xã đạt tiêu chí số 17. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, góp phần chung tay bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp để hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được./.