NHÂN NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI (11/7):

Bắc Kạn phát huy lợi thế “dân số vàng” để phát triển nhanh, bền vững

BBK - Công tác dân số - việc làm đã và đang được tỉnh Bắc Kạn quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy mô dân số ổn định, cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng dân số từng bước được nâng lên… tạo động lực để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Hoạt động dạy nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn giúp nâng cao trình độ cho người lao động trong tỉnh.

Hoạt động dạy nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn giúp nâng cao trình độ cho người lao động trong tỉnh.

Chất lượng dân số được nâng cao

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới đã có chuyển biến. Nhất là trong việc chuyển trọng tâm từ “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình” sang “Dân số và phát triển”. Từng bước khắc phục tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…

Công tác truyền thông giáo dục, vận động thực hiện chính sách dân số cũng luôn được quan tâm, đổi mới nội dung và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, góp phần chuyển đổi hành vi và nhận thức của Nhân dân về Dân số và KHHGĐ.

Tổng tỷ suất sinh, tỷ suất sinh thô hằng năm được cải thiện. Chất lượng các dịch vụ KHHGĐ của tỉnh từng bước được nâng lên. Hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên/thanh niên được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng.

Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Kạn: Tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi của tỉnh hiện là 21,5%; tỷ lệ dân số từ 15 đến 64 tuổi là 69,8%; tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên là 8,7%. Chất lượng và cơ cấu dân số này giúp cung ứng tốt nguồn nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương…

Phát huy nguồn lực dân số

Với số người trong độ tuổi lao động cao, Bắc Kạn vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Nguồn nhân lực dồi dào này được coi là tài nguyên quan trọng, góp phần giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Dương Thị Huế, Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Những năm gần đây, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch từ sản xuất nông - lâm nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Đặc điểm doanh nghiệp của tỉnh đa số quy mô vừa và nhỏ, phần lớn phù hợp với lực lượng lao động trình độ phổ thông.

Do đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đào tạo nghề, người lao động Bắc Kạn từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Lực lượng lao động trẻ có trình độ, kỹ năng, tay nghề ngày càng tăng, cần cù, sức khỏe tốt và khát khao làm việc kiếm thu nhập… Một lực lượng lớn người lao động còn đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh và đi lao động ở nước ngoài. Thu nhập người lao động mang lại đang giúp phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống các vùng nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 8.095 người, đạt 135% kế hoạch, trong đó có 753 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 4.000 người, đạt 66,7% kế hoạch năm, trong đó có 390 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn quán triệt các cấp ủy, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số - việc làm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh về thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội với công tác dân số. Củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ. Lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu hút đầu tư để phát triển các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh. Mở rộng quy mô sản xuất tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, khu công nghiệp, có chính sách ưu tiên để thu hút lao động là người địa phương vào làm việc…/.

Xem thêm

Video

Đọc báo in