Về Bản Nhuần xem người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

BBK -Một màu xanh vút tầm mắt của cánh đồng lúa, dưa lê, rừng trồng đang vươn mình phát triển, những ngôi nhà kiên cố bên con đường bê tông phẳng lì như minh chứng cho thôn Bản Nhuần, xã Quảng Chu (Chợ Mới) đang dần chuyển mình thành vùng quê đáng sống.

Nỗ lực trong phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chu Lưu Văn Duyên khẳng định: Người dân thôn Bản Nhuần chịu khó, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để từng bước xây dựng được nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là một trong những thôn phát triển kinh tế điển hình của xã và được lựa chọn làm thôn điểm trong thực hiện nông thôn mới của địa phương.

Là một thôn thuần nông, cuộc sống trước đây chỉ phụ thuộc vào cây ngô, lúa nhưng chỉ đủ ăn nên cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ được bà con tích cực triển khai. Từ một vài hộ ban đầu trồng dưa lê, dưa hấu thử nghiệm xuống ruộng có hiệu quả, các hộ trong thôn đã chuyển sang trồng 01 vụ lúa, 01 vụ dưa/năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Gia đình chị Hoàng Thị Thơm trồng dưa lê được gần chục năm nay, duy trì diện tích 3.000m2. Mỗi vụ thu về hơn 01 tấn quả, giá bán bình quân từ 20.000 – 35.000 đồng/kg, giúp gia đình có nguồn thu nhập khá, so với cây lúa, ngô gấp hơn 3 lần.

Chị Thơm cho biết: Trước đây, khi mới bắt đầu trồng chỉ làm trên diện tích hơn 1.000m2. Khi quả chín chất lượng quả thơm, ngọt, giòn và sản lượng đạt cao khẳng định cây phù hợp với đồng ruộng, khí hậu ở đây. Vì vậy, vụ lúa – vụ dưa cứ luân canh, do trồng lâu, uy tín nên thị trường tiêu thụ khá ổn định, chủ yếu bán cho tư thương. Dưa lê bắt đầu trồng vào tháng 2 và khoảng tháng 5 thì cho thu hoạch. Bởi trồng ngoài ruộng sẽ chịu tác động từ thiên nhiên, sâu bệnh tuy mất nhiều công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá nên gia đình tôi duy trì mô hình này.

Ở thôn Bản Nhuần có 60 hộ dân thì có hơn 30 hộ trồng dưa lê, dưa hấu với diện tích trên dưới 5ha. Để từng bước sản xuất theo quy trình an toàn, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế tháng 3/2023 thôn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất nông lâm nghiệp thôn Bản Nhuần gồm 40 thành viên. Xây dựng sản phẩm chính là dưa lê, dưa hấu. Trong năm 2023 tổ hợp tác đăng ký tham gia sản phẩm đạt OCOP với quả dưa hấu; đến năm 2024 sẽ đăng ký sản phẩm dưa lê. Đây sẽ là cơ hội giúp người dân Bản Nhuần mở rộng diện tích, thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, người dân thôn Bản Nhuần tập trung phát triển cây ăn quả, trồng rừng là một trong những thế mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thôn xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, thôn phấn đấu hết năm 2023 giảm còn 12% hộ nghèo.

Đoàn kết xây dựng nông thôn mới

Đi trên con đường bê tông, hai bên đường rực rỡ sắc hoa, mới thấy rõ sự đồng lòng, đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới của người dân Bản Nhuần. Được biết con đường hoa là công trình của chị em phụ nữ triển khai từ năm 2020, với chiều dài khoảng 1km. Để chăm sóc, chị em chia thành 3 tổ để luân phiên nhổ cỏ, tưới hoa, cắt tỉa.

Trưởng thôn Dương Văn Cường chia sẻ: Trước đây, vào thôn chỉ là con đường đất nhỏ. Để xây dựng con đường rộng 3m nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất ruộng, ngày công tạo mặt bằng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020 – 2023, toàn thôn hiến hơn 1ha đất mở mới con đường lâm nghiệp từ trục thôn đi Khau Tòm dài 2km; hiến 4.000m2 đất làm đường dân sinh chủ yếu đất ruộng; đóng góp 2.000 công lao động xây dựng các công trình công cộng; nhiều hộ dân còn đóng góp tiền mặt, vật liệu… Mới đây Tỉnh đoàn hỗ trợ thôn bóng đèn năng lượng mặt trời, người dân đóng góp mỗi hộ 150.000 đồng để xây hệ thống cột thắp sáng đường thôn dài 2km.

Bằng sự nỗ lực, đoàn kết trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Bản Nhuần có mức thu nhập bình quân hơn 36 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thôn đã đạt 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn gặp khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật…để Bản Nhuần về đích thôn nông thôn mới trong năm 2023 theo kế hoạch đề ra./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in