Hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP.
Hiện nay Sở KH&CN đang phối hợp với Bộ KH&CN khảo sát để phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn. |
Sau 4 năm thực hiện Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm", đến nay toàn tỉnh có 155 sản phẩm của các chủ thể được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và 143 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương và các chủ thể kinh tế.
Những năm qua, nhờ ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó, hằng năm Sở KH&CN phối hợp với Liên minh HTX hướng dẫn các HTX, THT, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thiện tiêu chuẩn hàng hóa như tem, nhãn mác, bao bì, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... Phòng chức năng của Sở đã hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để được cấp mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Bên cạnh đó, KHCN còn đồng hành với nông dân và các HTX, THT, doanh nghiệp nói riêng trong việc ứng dụng khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Cụ thể, KHCN đã giúp chọn tạo được giống lúa năng suất, chất lượng tốt như lúa Japonica, đến nay đã phát triển mạnh tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới. Đồng thời tiển khai Dự án cải tạo vùng sản xuất chè hàng hóa tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới, trong đó trực tiếp hỗ trợ HTX chè Mỹ Phương (Ba Bể) và HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (Chợ Mới) phát triển vùng sản xuất chè an toàn; Dự án thực hiện quy trình chưng cất tinh dầu quýt của HTX Hương Ngàn (Bạch Thông); Dự án cải tạo diện tích hồng không hạt tại huyện Chợ Đồn, Ba Bể; Dự án nâng cao chất lượng miến dong Bắc Kạn...
Từ năm 2019 đến 2021, Sở KH&CN đã phối hợp với huyện Ba Bể triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại xã Mỹ Phương". Các mô hình thực hiện gồm: Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP, quy mô 10ha; mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, quy mô 5ha; mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao, quy mô 7ha. Tham gia thực hiện, các hộ dân và thành viên của HTX được đào tạo, tập huấn về quy trình chăm sóc chè theo hướng VietGAP, hữu cơ và trồng chè giống mới chất lượng cao. Sử dụng phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học... phù hợp với từng mô hình, từ đó tạo vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, phục vụ cho sản xuất.
Ông Nông Văn Hoành- Giám đốc HTX chè Mỹ Phương cho biết: "Qua thực hiện Dự án, bà con đã dần thay đổi tư duy phát triển cây chè theo hướng hàng hóa, quan tâm đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Nếu như trước đây chè thương phẩm chỉ được bán với giá rẻ thì nay nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và giá thành cao gấp nhiều lần, trong đó sản phẩm trà Lê Hà của HTX đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh".
Những năm qua, Sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh thực hiện cấp chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản, trong đó có sản phẩm OCOP như miến dong, hồng không hạt, quýt. Hiện nay Sở KH&CN đang phối hợp với Bộ KH&CN triển khai điều tra, đánh giá mẫu đất, mẫu nước... để thực hiện đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bí xanh thơm tỉnh Bắc Kạn. Đây là cơ hội để sản phẩm OCOP bí xanh thơm Bắc Kạn nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng được thương hiệu. Ngoài ra, Sở KH&CN còn hỗ trợ các chủ thể kinh tế tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng các sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2021, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn 12 cơ sở đăng ký cấp mới quyền sử dụng mã số, mã vạch, 2 cơ sở điền thông tin trên hệ thống vnpc.gsl.org.vn. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Ông Hoàng Văn Hải- Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Thời gian qua, lĩnh vực KHCN đã giúp cho các chủ thể HTX, THT, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi nhận thức trong việc lựa chọn giống tốt đưa vào canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Nếu như trước đây, các chủ thể còn bỡ ngỡ, sản phẩm nông nghiệp làm ra còn thô sơ, giá thành thấp thì nay các chủ thể kinh tế đã nâng cao được nhận thức trong việc đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc, nâng cao mẫu mã bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh./.
H.T