Trung Quốc phản ứng với lời cảnh báo của Mỹ về kem đánh răng

Một quan chức của Tổng cục Kiểm định, kiểm nghiệm và giám sát chất lượng Trung Quốc, cho biết, các nhà nhập khẩu của Mỹ đều phải trình công thức kem đánh răng xuất khẩu của Trung Quốc lên Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của nước này trước khi nhập hàng từ Trung Quốc và thành phần DEG cũng được ghi công khai trên sản phẩm.

“Tất cả các mẫu kem đánh răng đều được đăng ký với FDA và được cho phép lưu hành ở Mỹ, bởi vậy phía Mỹ đã tự mâu thuẫn khi cảnh báo người dân không nên dùng kem đánh răng sản xuất ở Trung Quốc và cản trở việc nhập khẩu các lô hàng từ Trung Quốc,” quan chức này nói.

Năm 2000, các chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm trên 1.965 người và công bố, kem đánh răng có tỷ lệ DEG dưới 15,6% là vô hại đối với người sử dụng. Từ đó đến nay chưa có báo cáo nào nói về hiện tượng người sử dụng bị ngộ độc do kem đánh răng chứa DEG gây ra. Chính website của FDA cũng thừa nhận rằng, “chưa có báo cáo nào về trường hợp ngộ độc kem đánh răng có chứa DEG.” Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng cho phép sử dụng DEG trong thực phẩm theo quy định của luật pháp nước này.

Ngày 1-6, Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cảnh báo người dân không nên dùng kem đánh răng dán nhãn sản xuất tại Trung Quốc sau khi cấm nhập khẩu vào Mỹ một lô hàng kem đánh răng có thành phần DEG chiếm đến 3% trọng lượng. Đồng thời, một cuộc kiểm tra của FDA đối với các sản phẩm kem đánh răng xuất xứ từ Trung Quốc tại các trung tâm phân phối và các cửa hàng bán lẻ, cũng cho thấy, mức DEG cao nhất được phát hiện chiếm khoảng 3-4% trọng lượng sản phẩm.

Mỹ đã cảnh báo các nhà nhập khẩu không nên nhập khẩu kem đánh răng có thành phần DEG. Theo công bố trên website của FDA, các nhãn hiệu kem đánh răng Trung Quốc bị liệt kê trong danh sách cấm nhập khẩu bao gồm: Cooldent Fluoride; Cooldent Spearmint; Cooldent ICE; Mr.Cool, Everfresh Toothpaste; Superdent Toothpaste; Clean Rite Toothpaste; Oralmax Extreme; Oral Bright Fresh Spearmint Flavor; Bright Max Peppermint Flavor; ShiR Fresh Mint Fluoride Paste; DentaPro; DentaKleen; và DentaKleen Junior.

Đây là sự kiện mới nhất liên quan đến kem đánh răng xuất xứ từ Trung Quốc. Trước đó, nhiều lô hàng kem đánh răng của Trung Quốc đã bị thu hồi ở các nước Mỹ Latin. Chính phủ Panama còn cho biết, ít nhất đã có 100 người dân nước này bị tử vong do uống thuốc ho dạng sirô có chứa DEG, một hoá chất công nghiệp sử dụng trong sơn và các chất chống đông lạnh.

Vấn đề an toàn của các loại thực phẩm và dược phẩm xuất xứ từ Trung Quốc đang là mối quan tâm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ông Lý Viễn Bình, một quan chức chịu trách nhiệm về xuất nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc, nói: “Hai năm trước, tỷ lệ thực phẩm xuất khẩu của Trung Quốc được chấp nhận vào Mỹ là khoảng 99%, cao hơn một chút so với tỷ lệ thực phẩm của Mỹ được chấp nhận nhập khẩu vào Trung Quốc.”

Xem thêm

Video

Đọc báo in