Khu vực Áng Toòng, địa hình phần lớn là đồi núi đá, đất sản xuất ít, nhiều sương mù, ẩm ướt, việc lựa chọn các loại cây trồng để tăng thu nhập là bài toán khó đối với người dân ở đây. Vùng đất này như "hồi sinh" khi một số hộ tìm ra hướng đi thích hợp khi lựa chọn cây trúc sào để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập khá.
Gia đình ông Hoàng Kim Chiến là điển hình khi là một trong những hộ sở hữu nhiều diện tích trúc nhất ở khu vực này với 6ha, mỗi năm khai thác thu về hàng trăm triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi trúc, ông Chiến chia sẻ: “Trước đây vùng đất này rậm rạp, chỉ toàn bụi cây lau lách, cỏ dại, đất bỏ hoang hóa, cho không chẳng ai nhận. Thấy vậy tôi bàn với vợ, mạnh dạn nhận đất, khai phá trồng một số cây lâm nghiệp. Tuy nhiên do thời gian thu hoạch lâu nên gia đình chuyển hướng trồng trúc, cho đến bây giờ tôi nhận thấy trúc vẫn là cây trồng phù hợp, cho thu hoạch nhanh”.
Từ năm 2000 gia đình ông bắt đầu trồng trúc, mỗi năm trồng 1.000 gốc, từ đó đến nay diện tích trúc tăng dần. Ông Chiến chia sẻ, đây là loại cây dễ trồng, chỉ sau 4 năm trồng, đã cho khai thác. Hằng năm, măng tiếp tục mọc lứa mới mà không phải trồng lại.
ở mỗi giai đoạn phát triển, cây trúc đều có những ưu điểm khác nhau, đối với trúc cần câu, cây đủ 4 năm tuổi là có thể khai thác bán với giá 2.500 đồng/cây, trúc sào (cây đại) thời gian cho thu hoạch hơn 10 năm, giá bán 10.000 đồng/cây. Tính toán của ông Chiến, 1ha trúc có thể thu nhập lến đến 100 triệu đồng mà không cần phải đầu tư lớn, chỉ chăm sóc, phát cỏ 3 năm đầu, cây nhanh phát triển, có thể khai thác tỉa dần.
Hiện tại thị trường trúc được đánh giá khá tiềm năng, nhu cầu nhiều nơi cần đến để sử dụng vào mục đích xây dựng, sản xuất, chế biến đồ nội thất, trang trí nhà cửa…
Với triển vọng về giá trị kinh tế mang lại, vườn trúc của ông Chiến còn được một số cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đến tham quan, học tập kinh nghiệm, đặt vấn liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tuy vậy, đến thời điểm này, ông Chiến vẫn chủ yếu bán tự do ra thị trường, đầu mối tiêu thụ phần lớn về các tỉnh miền xuôi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… ”Trong tương lai, tôi mong sẽ có những đơn vị đứng ra hợp tác, tổ chức khai thác vùng nguyên liệu, nhằm giúp nhiều hộ dân tại đây có thể nhân rộng, phát triển cây trúc ổn định”, ông Chiến nói thêm.
Bà Triệu Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho hay: “Cây trúc ở Tân Sơn diện tích chiếm khá lớn, trước đây có thời điểm lên đến gần 40ha nhưng do đầu ra chưa thực sự bền vững nên người dân đã phá bỏ sang cây trồng khác. Hiện có hộ anh Hoàng Kim Chiến thôn Nà Khu vẫn là hộ có quy mô trồng nhiều nhất xã”.
Trúc sào sinh trưởng tốt trên sườn đồi, đỉnh núi đất dày, tơi xốp, thoát nước tốt, ẩm mát, nhiều mùn và ít chua. Đỉnh Áng Toòng, nơi có khí hậu mát mẻ, độ ẩm không khí và lượng mưa tương đối cao, độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển nên bà con ở đây đã lựa chọn trồng trúc để gia tăng kinh tế./.