Trên 2 triệu người hành hương về đất Tổ

Lễ hội Đền Hùng năm nay chính thức diễn ra từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhưng các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 1 tháng 3.

Bốn phương tụ hội

Bước vào tháng 3 âm lịch, từ thành phố Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng tràn ngập không khí lễ hội. Cờ đỏ, panô, áp-phích, những câu khẩu hiệu viết trên lụa màu bay phấp phới suốt những tuyến phố, đường quê... Khắp nơi du khách đổ về, hành hương về nguồn cội.

Từ sáng sớm, các con đường hướng về Đền Hùng (xã Hy Cương, TP Việt Trì) đã đông nghẹt những dòng người tấp nập về trẩy hội. Dòng người ngược đỉnh Nghĩa Lĩnh chật như nêm cối.

Những mâm lễ ba, lễ bảy trôi trên biển người như những chiếc thuyền thúng giữa dòng sông hoa chảy ngược lên đền Thượng.

Hòa vào dòng khách hành hương, chúng tôi qua cổng chính theo 499 bậc đá được chia làm 18 cấp tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng hướng về đỉnh Nghĩa Lĩnh.

Mỗi tấc đất, mỗi bậc đá, mỗi gốc cổ thụ nơi đây đều trào dâng trong mỗi người cảm giác tự hào và rất đỗi thân thương.

Trong dòng người tấp nập, chúng tôi gặp cụ Đinh Thị Lành (86 tuổi), đến từ vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.

Hình ảnh những người con, người cháu dìu cụ Lành hành hương về đất Tổ đọng mãi trong tôi về chuyến hành hương đầy ý nghĩa này:

Cụ Lành cho biết, kỷ niệm 1.040 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đất Cố đô Hoa Lư cũng mở hội to lắm nhưng về với Đền Hùng, nơi cội nguồn dân tộc thì lại có ý nghĩa khác.

Người xưa có câu “lá rụng về cội”. Bao nhiêu năm mong ước, hôm nay tôi mới có dịp về đất Tổ chiêm bái các vua Hùng, các bậc tổ tiên có công dựng nước. Bà con mình hành hương về nguồn đông quᅔ - cụ Lành xúc động.

Mỗi người đến với Đền Hùng với một tâm trạng khác nhau, nhưng ai cũng mang một điều chung đó là về với cội nguồn và mong mọi điều tốt lành cho cuộc sống.

Hai bạn trẻ là Trần Tuấn Anh và Lê Thu Hồng - sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vui vẻ: “Chúng tôi về đây với mong muốn được thắp nén hương trên mộ Tổ; để hiểu hơn bài học quý giá về niềm tự hào dân tộc, về lòng biết ơn các thế hệ cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, để rồi gắng sức rèn luyện, tu dưỡng”.

Trên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh chúng tôi may mắn được chứng kiến một nhóm các bạn trẻ là Việt kiều tìm về nơi cội nguồn dân tộc. Lần lượt, trang trọng và thành kính, những đứa con xa Tổ quốc lần đầu về với đất Tổ run run thắp nén nhang trước bàn thờ tổ tiên mình.

Những đôi mắt trẻ mở to như muốn ghi lại trong tâm trí những lời người hướng dẫn viên giới thiệu về truyền thuyết, lịch sử các đời vua Hùng, nguồn gốc hình thành đất nước, con người Việt Nam.

Bạn Trần Mạnh Dũng ở Cộng hoà Pháp bày tỏ: “Đến đây tôi mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của hai tiếng cội nguồn. Dù có đi nơi đâu thì dân tộc Việt Nam vẫn có lòng tự hào về nguồn gốc con Lạc cháu Hồng.

Bây giờ, tôi có thể giải thích cho bạn bè hiểu nguồn gốc của dân tộc Việt Nam”. Bạn Dương Thu Hà - du học sinh ở Canada thì xúc động: “Lúc ở nước ngoài tôi luôn nhớ về quê hương đất nước và mong được một lần về mảnh đất thiêng cội nguồn dân tộc thắp nén hương thơm, nhìn lại lòng mình. Học xong tôi sẽ về Việt Nam phục vụ đất nước…”.

Đậm chất dân gian

Để chuẩn bị cho sự thành công của lễ hội năm nay, tỉnh Phú Thọ đã tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, thay thế toàn bộ cột đá ong bằng cột gỗ lim có đường kính hơn 40cm, làm mới hậu cung và ngai thờ.

Sân lễ hội được xây mới, lắp đặt màn hình lớn phục vụ cho các hoạt động của lễ hội, giai đoạn I hoàn thành đưa vào sử dụng có diện tích hơn 26.000m2, trong đó riêng trục hành lễ được lát đá có diện tích 4.300m2.

Trên đường hành hương, tiểu cảnh Suối giao duyên nhân tạo cũng vừa hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tạo vẻ nên thơ cho khu di tích.

Lễ hội chính thức diễn ra từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 Âm lịch, nhưng các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 1 tháng 3. Hoạt động mở đầu là “Đêm thơ về nguồn cội” với sự tham gia của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ cùng đông đảo công chúng yêu thơ trên đất Tổ...

Xem thêm

Video

Đọc báo in