Tham dự phiên thảo luận tại Tổ đại biểu số 12 có đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư BCH trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình.
Trước đó, trong chiều 30/10, Quốc hội đã nghe cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo về 2 Dự thảo Nghị quyết trên và xem videoclip về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng trình Quốc hội có 10 điều với các nội dung cơ bản: Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND; Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập; Về cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn. Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng gồm: Chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường).
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư BCH trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, thứ nhất việc xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải căn cứ, đối chiếu với các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương, xem xét đến ảnh hưởng về cơ cấu vùng, khu vực, cực tăng trưởng có khả năng tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế vùng như thế nào… chứ không thể dựa vào cảm tính. Thứ hai, phải tính đến sự phát triển, tăng trưởng của thành phố trực thuộc trung ương là phải dẫn đầu xu thế phát triển của khu vực. Thứ ba, phải phát triển cân đối, hài hòa, không chỉ nâng cao chất lượng đời sống đô thị của người dân mà còn phải giúp khu vực nông thôn có thu nhập tốt hơn.
Về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nhiều đại biểu còn băn khoăn về cơ chế quản lý chính quyền đô thị của thành phố như thế nào, phải sắp xếp bộ máy chính quyền làm sao cho đúng thực chất. Tổng Bí thư nhấn mạnh, sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề lớn, các Nghị quyết của trung ương đã đánh giá và chỉ rõ hạn chế, do đó làm thế nào để bộ máy phải tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tránh cồng kềnh. Tổng Bí thư yêu cầu, việc này các cơ quan của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu, phải nhìn rõ đúng thực chất, phải tinh gọn bộ máy để dành nguồn lực cho phát triển.
Tham gia thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn bày tỏ quan điểm nhất trí, đồng tình với chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu cho biết, thành phố Hải Phòng- thành phố trực thuộc Trung ương, nơi trọng điểm trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển của khu vực Bắc Bộ và cả nước và là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới. Vì vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động trở thành điểm tựa phát triển kinh tế cho các địa phương trong khu vực.
Tán thành việc Quốc hội xem xét, thông qua Đề án thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân khẳng định: Thành phố Huế là niềm tự hào của Nhân dân cả nước về truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô. Với các điều kiện về kinh tế - xã hội hiện có, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế là phù hợp, nhằm thúc đẩy khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và cả nước, bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản./.