Tham dự phiên thảo luận Tổ có đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12.
Tiếp theo chương trình làm việc buổi sáng, trong phiên họp buổi chiều các đại biểu tiếp tục thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) và thảo luận về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong 9 tháng năm 2024. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý một số nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Nhìn từ kết quả phòng, chống thiên tai do cơn bão Yagi vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo từ rất sớm của Bộ Chính trị và Chính phủ, đồng thời kiến nghị Chính phủ và Ủy ban MTTQ Việt Nam nghiên cứu thêm một số giải pháp hỗ trợ các tổ chức thiện nguyện thực hiện việc cứu trợ kịp thời, hiệu quả hơn người dân ở các địa phương khắc phục hậu quả sau bão.
Góp ý vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy quan tâm đến các chính sách phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 5, Điều 24).
Tuy nhiên, những nội dung quy định này còn khá chung chung, chưa có chính sách cụ thể để phát triển điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sớm được hưởng văn minh từ điện lưới quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều nội dung quy định giao cho các tỉnh tự cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển điện là chưa phù hợp, trong khi các tỉnh miền núi ngân sách hạn hẹp khó có thể tự cân đối để triển khai các chính sách này. Đồng thời, đại biểu đề nghị trong các quy định về sử dụng tiết kiệm điện cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài để có chuyển biến rõ nét hơn, đạt mục tiêu tiết kiệm điện ở nơi công cộng và công sở.
Phát biểu thảo luận tại Tổ, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật những thành tựu đất nước ta đạt được trong năm 2024- năm nước rút của Đại hội XIII. Đồng thời Tổng Bí thư cũng nêu ra nhiều trăn trở về phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với bảo vệ môi trường một cách hài hòa, cân bằng, bền vững. Vấn đề về xã hội, Tổng Bí thư nêu thực trạng bệnh viện vẫn quá tải, trong khi có những công trình bệnh viện xây dựng với kinh phí đầu tư lớn nhưng nhiều năm vướng mắc không đưa vào sử dụng được.
Về giáo dục, phải quan tâm ngay từ cơ sở. Huy động sự vào cuộc chủ động của các cấp, ngành, địa phương chứ không chỉ trách nhiệm của ngành Giáo dục. Tình trạng lãng phí trong sử dụng đất, đầu tư công đặt ra, đòi hỏi cần xem lại chính sách, xem lại luật. Về giải ngân đầu tư công, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2024, nhưng nhiều cấp, ngành kêu “vướng”. Quy định đều do mình cả. Chính phủ vướng thì trao đổi với Quốc hội. Không đổ lỗi cho nhau và cũng không chờ đợi nhau được. Cùng với đó, đồng chí Tổng Bí thư còn đề cập đến các vấn đề về tình trạng lãng phí nguồn nhân lực; cần kích thích sức sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; đề ra lộ trình cụ thể cho từng năm để chớp lấy thời cơ phát triển, vươn mình đứng lên.
Tổng Bí thư khẳng định vai trò dẫn dắt, trụ cột, đột phá của hạ tầng năng lượng trong việc phát triển đất nước. Cần đề ra lộ trình, quan tâm đến quy hoạch, vận tải điện, sản xuất điện “sạch” nhằm thực hiện cam kết đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Luật Điện lực phải nhằm mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, điều hòa, quy hoạch phát triển phù hợp và phải đảm bảo điện sạch.../.