Tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại xã Thượng Ân, nơi thành lập Chi bộ Chí Kiên, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, đánh dấu sự lớn mạnh về phong trào cách mạng của huyện Ngân Sơn nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung. Phát huy truyền thống đoàn kết của quê hương cách mạng, Thượng Ân đã nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Những kỷ vật thời điểm thành lập Chi bộ Chí Kiên hiện nay được lưu giữ tại Nhà Văn hóa thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân. |
Dấu ấn những năm tháng lịch sử
Theo tài liệu của huyện Ngân Sơn ghi lại: Sau khi tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám ngày 19/5/1941 họp tại Pác Bó (Cao Bằng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách quân sự kiêm tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tháng 8/1941, khi cánh quân do đồng chí Phùng Chí Kiên dẫn đầu đến khu vực Khau Pàn, xã Đức Vân (Ngân Sơn) thì bị địch phục kích. Sau khi chiến đấu và ngăn chặn địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây của địch, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh anh dũng tại đây.
Ngày 22/9/1943, tại khu vực Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chi bộ Chí Kiên được thành lập gồm 03 đồng chí: Dương Mạc Hiếu, Đồng Văn Bằng, Doanh Thăng Hỷ (tức Doanh Hằng) do đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư; Chi bộ Chí Kiên là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Sự kiện Chi bộ Chí Kiên được thành lập mở ra một thời kỳ cách mạng mới, đánh dấu sự lớn mạnh phong trào cách mạng của huyện Ngân Sơn nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn nói chung. Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giải phóng huyện Ngân Sơn vào tháng 6/1945, tiến tới giải phóng hoàn toàn Bắc Kạn và góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta.
Phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết phát triển kinh tế
Phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh, những năm qua, Thượng Ân nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, phát huy tiềm năng thế mạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã tận dụng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống. Đến nay xã duy trì gần 150ha cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao đạt từ 70 đến 100 triệu đồng/ha gồm: Cây công nghiệp ngắn ngày, lúa nếp thơm Khẩu Nua Lếch, cam, quýt, nấm hương, hồng không hạt, trám, dẻ… Duy trì tổng đàn gia súc hơn 1.000 con, đàn gia cầm hơn 10.000 con; hằng năm gieo trồng gần 400ha cây lương thực có hạt với tổng sản lượng bình quân 1.600 tấn, lương thực bình quân đạt 748kg/người/năm…
Những cánh đồng lúa ở Thượng Ân đẹp tựa như tranh khi mùa lúa chín. |
Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong khoảng 5 năm trở lại đây, xã đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, đường liên thôn, đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp… với tổng số tiền đầu tư gần 15 tỷ đồng. Đặc biệt, khi tuyến đường từ xã Thượng Ân đi xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tới đây thông suốt sẽ kích cầu dịch vụ, thương mại, tăng giá trị hàng hóa nông - lâm sản do người dân địa phương sản xuất; tạo điều kiện giao lưu văn hóa văn nghệ, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn...
Đồng chí Doanh Thiêm Duy, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Ân cho biết: Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, đến nay xã Thượng Ân đã có những đổi thay rõ rệt, diện mạo nông thôn từng bước được đổi mới. Tuy vậy, trong thời gian tới, xã cũng phải quyết liệt khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra như: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tuy giảm nhưng chậm và còn ở mức cao; xã chưa có thôn đạt chuẩn nông thôn mới; công tác vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, nhất là chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt và sản xuất…
Theo đó, xã tiếp tục đặt ra một số giải pháp, biện pháp để triển khai như: Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, phát huy vai trò của các tổ chức đảng. Chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng mọi nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông - lâm nghiệp; quan tâm xây dựng các công trình trọng điểm mang tính an sinh xã hội, đẩy mạnh mạng lưới thương mại dịch vụ, tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh./.
Văn Lạ