Sản xuất nông nghiệp, một năm nhìn lại

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cây trồng; mưa lũ gây ảnh hưởng tới tài sản, hoa màu của người dân... tuy nhiên, với sự nỗ lực hoạt động sản xuất nông nghiệp năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn vẫn đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 2.290 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; tăng trưởng 3,83%, cao hơn năm 2021.

Các địa phương đã chỉ đạo khôi phục sản xuất, bước đầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả. Các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị được các địa phương triển khai, nhân rộng (khoai tây, ngô ngọt, bí xanh thơm, dong riềng, rau cải Nhật, củ kiệu,…); chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả hơn.

Người dân thôn Hua Phai (Cao Kỳ) thu hái ớt.
Người dân thôn Hua Phai (Cao Kỳ) thu hái ớt.

Sản phẩm ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua các mô hình trình diễn giống mới, tỉnh đã xác định và chọn lọc được cơ cấu giống phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được đẩy mạnh như: Làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế bảo quản... Các hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất được tăng cường, triển khai thực hiện tốt dịch vụ tưới, tiêu đảm bảo đủ nước cho gieo cấy và chăm sóc cây trồng; hệ thống phân phối dịch vụ về vật tư, giống, phân bón, thuốc BVTV đến người dân đảm bảo yêu cầu cho sản xuất.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, huyện, các chương trình, dự án tiếp tục được thực hiện và có vai trò tích cực trong hỗ trợ sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi sản xuất liên kết với nhiều sản phẩm phong phú, đặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Một số diện tích cây trồng chính thực hiện không đạt kế hoạch giao (cây thuốc lá, dong riềng, khoai môn...). Tuy nhiên người dân đã chủ động chuyển sang trồng các loại cây trồng khác theo nhu cầu thị trường, có giá trị kinh tế cao hơn, như: Cây thạch đen, dưa hấu, dưa lê, bí, ớt, cây dược liệu... việc chuyển đổi này vẫn đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch giao nhưng mang lại hiệu quả cao.

Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 178.000 tấn, đạt 100% kế hoạch. Toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 đạt hơn 1.992ha. Trong đó, duy trì diện tích đã chuyển đổi là 1.820ha; diện tích chuyển đổi mới trong năm 2022 là 172,80ha. Các loại cây như bí xanh, khoai tây, ớt, nghệ... đạt năng suất cao, giá bán cao khiến cho bà con nông dân rất phấn khởi.

Lĩnh vực chăn nuôi đang hồi phục và phát triển mạnh với hơn 20 trang trại có quy mô an toàn sinh học. Tổng đàn đại gia súc ước đạt 85.762 con, đạt 99% kế hoạch. Diện tích trồng rừng đạt 4.702ha, đạt 118% kế hoạch. Tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trong năm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Diện tích cây ăn quả hiện có 6.881ha; đã cho thu hoạch 5.106ha; tổng sản lượng ước đạt 52.321/48.184 tấn đạt 109% kế hoạch. Các vùng trọng điểm chuyên canh cây cam, quýt, mận, mơ, hồng không hạt… đều đạt năng suất, sản lượng cao, giá ổn định. Cùng với đó, hoạt động sản xuất vụ đông đã thành nền nếp, các loại cây trồng đều có liên kết sản xuất, tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ruộng cà chua ở thôn Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn.
 Ruộng cà chua ở thôn Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản. Dịch tả lợn châu Phi còn dai dẳng, giá thức ăn tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến công tác tái đàn và tâm lý người chăn nuôi; đội ngũ thú y viên còn hạn chế…

Do quy mô nhỏ nên một số doanh nghiệp, HTX chưa tiếp cận được với cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh vì không đạt tiêu chí hỗ trợ. Chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn được quan tâm nhưng phát triển chưa mạnh. Năng suất nhiều loại cây trồng tăng, nhưng còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các vùng chuyên canh cây trồng, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung bước đầu đã hình thành, nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, nhất là việc đầu tư hạ tầng.

Công tác trồng rừng đã đạt kết quả tốt, tuy nhiên, tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng vẫn thường xuyên xảy ra; năng suất và giá bán của rừng trồng thấp, chi phí vận chuyển cao, rừng trồng gỗ lớn chưa nhiều, chi phí tái trồng rừng cao, nên hiệu quả kinh doanh rừng trồng còn thấp, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư.

Dẫu còn khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động sản suất nông, lâm nghiệp năm 2022 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, làm cơ sở để thực tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2023./.

Phan Quý

Xem thêm

Video

Đọc báo in