Tăng cường quản lý máy kéo nhỏ, xe máy tự chế (Bài 2)

Việc xe đầu kéo, phương tiện tự chế phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Tuy vậy công tác quản lý các phương tiện này đang gặp nhiều khó khăn.

Việc xe đầu kéo, phương tiện tự chế phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Tuy vậy công tác quản lý các phương tiện này đang gặp nhiều khó khăn.

Máy nông nghiệp gắn thùng tự chế “hồn nhiên” tham gia giao thông trên quốc lộ 3B (TP. Bắc Kạn – Chợ Đồn).
Máy nông nghiệp gắn thùng tự chế tham gia giao thông trên quốc lộ 3B (TP. Bắc Kạn - Chợ Đồn).

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là không có định nghĩa, tên gọi cụ thể theo quy định đối với loại phương tiện này, người dân vẫn quen gọi chung chung là máy kéo nhỏ, xe máy tự chế, xe tắc-tơ, nên không thể xác định được là xe máy chuyên dùng hay xe tự chế. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn công tác đăng ký, cấp biển số cho các xe máy kéo nhỏ đang hoạt động không có các loại giấy tờ, như: Chứng từ chứng minh nguồn gốc (xe và rơ moóc), chứng từ xác định quyền sở hữu phương tiện, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, bản vẽ thiết kế phương tiện...; chưa có hướng dẫn cụ thể về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường máy kéo nhỏ tham gia giao thông đường bộ; không có biên lai nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính khi đăng ký xe. Vì vậy, công tác đăng ký, cấp biển số cho máy kéo nhỏ không đủ điều kiện để đăng ký theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an.

Còn đối với việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe này, theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, thời gian đào tạo lái xe hạng A4 là 80 giờ, tổng chi phí đào tạo, ôn luyện, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4 hiện nay khá cao so với thu nhập của người dân. Mặt khác, giấy phép lái xe hạng A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000kg là loại giấy phép có thời hạn (10 năm), ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người dân. Do đó, mặc dù nhu cầu được đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 để lái xe máy kéo nhỏ là rất lớn, nhưng thực tế số được cấp đạt thấp so với số lượng phương tiện trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, hằng ngày người dân vẫn điều khiển phương tiện từ nhà đến các khu sản xuất nông, lâm nghiệp, nơi tập kết hàng hóa và ngược lại mà không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

Thượng tá Dương Ấu Bình- Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Thực tế việc quản lý, xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này trên địa bàn tỉnh gặp khá nhiều khó khăn. Theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 9/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông, thì phương tiện này không thuộc diện tạm đình chỉ tham gia giao thông, vì đây không phải là xe công nông. Nhưng rất cần tăng cường biện pháp quản lý để bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra.

Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, điều kiện địa hình đồi núi phức tạp; nhiều địa phương có quốc lộ và đường tỉnh là đường độc đạo đi qua, chưa xây dựng được đường gom dành cho máy kéo nhỏ, nên việc quản lý hoạt động của loại phương tiện này trở nên khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khi đi chung với các loại phương tiện có tốc độ cao. Hơn nữa, đây cũng là loại phương tiện có giá trị lớn về mặt tài chính và khá hữu dụng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là đối với người dân miền núi. Do đó, nếu xử lý theo đúng quy định của pháp luật là tạm giữ, tịch thu phương tiện sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh ra văn bản chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ; không được sử dụng xe đầu kéo, phương tiện tự chế để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng tham gia giao thông; yêu cầu cam kết không vi phạm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện máy kéo nông nghiệp tự chế tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ, như: Không có giấy phép lái xe theo quy định; xe chở quá tải trọng; không đủ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu; bộ phận hãm không đảm bảo…

Để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cần vào cuộc một cách tích cực hơn nữa; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời, vận động người dân sử dụng các loại phương tiện máy kéo nông nghiệp đúng mục đích, không tự chế và cơi nới thùng để vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông./. Còn nữa

Quý Đôn

Xem thêm

Video

Đọc báo in