TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Quy định trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi

BBK -

Hỏi: Tôi năm nay 80 tuổi, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, tôi biết đối tượng người cao tuổi được trợ giúp pháp lý. Vậy, quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi được trợ giúp pháp lý là gì?

Trả lời: Theo quy định Luật Người cao tuổi thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Luật Trợ giúp pháp lý quy định người cao tuổi được trợ giúp pháp lý là người có khó khăn về tài chính (Người từ đủ 60 tuổi trở lên và thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật).

Người cao tuổi thuộc các diện người được trợ giúp pháp lý khác như: Người cao tuổi là người có công với cách mạng; Người cao tuổi là người thuộc hộ nghèo; Người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Quyền của người cao tuổi được trợ giúp pháp lý

1. Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

2. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

3. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

4. Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định.

6. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghĩa vụ của người cao tuổi được trợ giúp pháp lý

1. Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

2. Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

3. Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

5. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in