Cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

BBK- Cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là kết quả xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực cả ở cán bộ, đảng viên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở mọi lĩnh vực; một số vụ án tham nhũng lớn với số tiền chưa từng có trong lịch sử...

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV .

Đề nghị công khai để nhân dân giám sát số tiền và tài sản thu được chống tham nhũng, tiêu cực

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng ta khẳng định qua các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ; thông tin xử lý cán bộ có vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước từ các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt là kết quả xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ có cán bộ, đảng viên thường mà cả cán bộ, đảng viên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở mọi lĩnh vực; các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, một số vụ án tham nhũng lớn là doanh nghiệp ngoài khu vực công với số tiền lớn chưa từng có trong lịch sử.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TL.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TL.

Theo báo cáo tại Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 475 vụ án/1.094 bị can về các tội tham nhũng, trong đó có 16 cán bộ diện Trung ương quản lý. Riêng vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 1 Bí thư Tỉnh ủy, 1 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 1 Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, 02 Chủ tịch UBND tỉnh, 01 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 01 Bí thư Tỉnh uỷ và 01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Cử tri và Nhân dân đề nghị rà soát các quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán bởi vì hàng năm các cơ quan này đều thực hiện thanh tra, kiểm toán ở nhiều cơ quan, tổ chức tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và cả trung ương để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về tiền, tài sản và đặc biệt là lòng tin của Nhân dân.

"Cử tri và Nhân dân mong muốn tổng hợp đầy đủ và công khai để Nhân dân giám sát số tiền và tài sản thu được từ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến tháng 9/2024); đồng thời tổ chức đánh giá khách quan nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm luật với vụ án tham nhũng với số tiền rất lớn chưa từng có trong lịch sử nước ta, do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, chế tài chưa đủ sức răn đe, do tổ chức thực hiện hay do đạo đức liêm chính của cán bộ, đảng viên là chính; từ đó có giải pháp căn cơ, để phòng chống hữu hiệu hơn", ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, ổn định thị trường vốn - tài chính

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay: Cử tri và Nhân dân phấn khởi về kinh tế - xã hội của cả nước vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tình hình chính trị - xã hội của đất nước được giữ vững ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, thúc đẩy các công trình trọng điểm quốc gia...

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì theo dự báo của World Bank, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng tới hạ tầng cầu đường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy hải sản; để giúp các tỉnh miền Bắc phục hồi kinh tế, sẽ tốn rất nhiều ngân sách, thời gian và các nguồn lực khác.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, mong muốn Quốc hội, Chính phủ có biện pháp, giải pháp giải quyết trong thời gian tới các vấn đề như: Đầu tư công vẫn chậm giải ngân ở một số bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực; giá cả tăng cục bộ ở một số địa bàn, lĩnh vực; giá nhà chung cư, đất ở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng cao và không sát với thực tế, nhu cầu của người dân cần có giải pháp hữu hiệu hơn để kiểm soát, bình ổn; thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh chưa được sửa đổi gây tác động không tích cực đến chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024… Đồng thời, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, ổn định thị trường vốn - tài chính, gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm để cải thiện, tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, huy động nguồn lực từ trong dân nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt gánh nặng vốn trung và dài hạn cho ngành ngân hàng.

Cử tri lo lắng về áp lực tuyển sinh đầu cấp tại một số thành phố lớn

Về lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ, ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025; công tác tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng năm học 2024; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên; việc nhanh chóng khắc phục hậu quả của các cơn bão trong thời gian gần đây để các học sinh sớm trở lại trường học tập, vui chơi…

Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh:: TL.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh:: TL.

Song, cử tri và Nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng rất áp lực về việc tuyển sinh đầu các cấp học tại một số thành phố lớn do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập. Năm học 2024 - 2025 là năm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông nên cơ sở vật chất theo chương trình mới còn thiếu; là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về việc tổ chức thi, lựa chọn môn thi, nội dung thi không nằm trong sách giáo khoa; việc xét tuyển sớm vào các trường đại học chưa phù hợp, còn bất cập...

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 35/35 kiến nghị, đạt 100%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị, đạt 97,7%.

Cử tri và Nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành trung ương liên quan rà soát, kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh khoa học phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng, thực chất. Cử tri và Nhân dân còn nhiều trăn trở về tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên kéo dài rất nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Cử tri và Nhân dân phản ánh, rất băn khoăn lo lắng về tình trạng bạo hành, xâm hại xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, nhất là đối với học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ em gái tại các cơ sở trông giữ trẻ mẫu giáo, mầm non tư thục, cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em mà điển hình là vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh).../.

Xem thêm

Video

Đọc báo in