Một phiên họp Quốc hội Israel ở Jerusalem, ngày 23/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 21/02, Quốc hội Israel (Knesset) đã bỏ phiếu thông qua quyết định trước đó của chính phủ nước này, trong đó phản đối các nỗ lực quốc tế đơn phương công nhận sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập.
Đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo 99 trong tổng số 120 thành viên của Knesset đã đồng ý với quyết định của chính phủ đưa ra trước đó 3 ngày.
Phản ứng trước động thái của Quốc hội Israel, Bộ Ngoại giao Palestine đã ra tuyên bố, trong đó tái khẳng định rằng tư cách thành viên đầy đủ của Nhà nước Palestine trong Liên hợp quốc hay việc được công nhận bởi các quốc gia khác không cần phải có sự cho phép từ phía Israel.
Trước đó, ngày 18/02, chính quyền Palestine cũng đã nhấn mạnh một Nhà nước Palestine, với Đông Jerusalem là thủ đô, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột Hamas-Israel và bảo đảm sự ổn định trong khu vực.
Quyết định do ông Netanyahu khởi xướng nhằm phản ứng trước việc một số quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Israel gần đây đề cập đến khả năng đơn phương công nhận Nhà nước Palestine và coi đây là giải pháp bền vững cho cuộc xung đột giữa Israel với phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 17/02, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật tính "cấp bách" phải xúc tiến thành lập một Nhà nước Palestine để bảo đảm an ninh cho Israel và đây là "cơ hội đặc biệt" để Israel hội nhập với các quốc gia Arab ở Trung Đông.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ngỏ khả năng có thể đưa ra quyết định công nhận Nhà nước Palestine nếu các nỗ lực hướng đến giải pháp hai nhà nước bị cản trở vì sự phản đối của Israel.