Sử dụng tia tử ngoại UVC bước sóng ngắn để diệt khuẩn của nhóm học sinh Trường THPT Bắc Kạn. |
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, em Nông Hồng Minh (hiện là học sinh lớp 12A3) nảy sinh ý tưởng thực hiện một sản phẩm có tính ứng dụng cao đối với việc tìm kiếm dưới nước để dự thi, từ đó mô hình về “Thiết bị lặn không người lái” được hình thành. Mô hình của Minh đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 6 năm 2022. Sau đó, mô hình của em tiếp tục được giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2022.
Em Nông Hồng Minh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Bắc Kạn cho biết: Nhiều lần xem trên ti vi, trên mạng xã hội em thấy những người lính làm công tác cứu nạn, cứu hộ mang trên người bộ quần áo lặn, bình ô-xy to và nặng; bình ô-xy lặn chỉ được tối đa 45 phút, khá hạn chế về mặt thời gian; nhiều khi thực hiện nhiệm vụ phải lặn vào những nơi có địa hình hiểm trở rất nguy hiểm. Vì thế, em đã suy nghĩ phải làm ra một thiết bị có thể thay thế con người để nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ con người trong nghiên cứu khoa học từ các thiết bị và vật liệu dễ tìm kiếm, giá thành rẻ, dễ sử dụng.
Được sự động viên, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần của gia đình và các thầy cô giáo trong suốt thời gian nghỉ hè năm lớp 11, em đã lên ý tưởng thực hiện Đề tài “Thiết bị lặn không người lái”, từ bản thiết kế, tính toán cơ chế hoạt động và tìm nguyên vật liệu để lắp ghép mô hình. Sau 3 tháng, trải qua nhiều lần thất bại, mô hình “Thiết bị lặn không người lái” từ ống nhựa, mô tơ, ắc quy, pin, camera FPV… của Hồng Minh đã hoàn thiện.
Trước tình hình dịch bệnh, vi khuẩn vi rút dễ lây lan, từ ý tưởng của nhóm học sinh và kinh nghiệm giảng dạy môn Vật lý của mình, cô giáo Nông Minh Tuyển đã định hướng cho các em học sinh xây dựng mô hình “Sử dụng tia tử ngoại UVC bước sóng ngắn để diệt khuẩn”. Mô hình được xây dựng xuất phát từ thực tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các trường học là nơi tập trung đông người, dịch có nguy cơ lây lan cao. Vì vậy mô hình được thiết kế với mục đích diệt khuẩn, nhất là trên bề mặt các vật dụng liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của học sinh. Mô hình đã đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 6.
Em Lưu Thị Dịu (hiện là học sinh Lớp 12A2, Trường THPT Bắc Kạn), là thành viên nhóm thực hiện mô hình "Sử dụng tia tử ngoại UVC bước sóng ngắn để diệt khuẩn" chia sẻ: Tham gia nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm kỹ thuật cũng là một trong những cách giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, rèn luyện được tính kiên nhẫn, sự cẩn thận và nhất là hiểu được cách thức, quy trình khi nghiên cứu khoa học.
Đây là những mô hình đạt kết quả cao của Trường THPT Bắc Kạn tại cuộc thi về khoa học kỹ thuật do tỉnh tổ chức. Những mô hình, giải pháp kỹ thuật này do học sinh tự quan sát đề xuất ý tưởng, giải pháp thực hiện dưới sự hỗ trợ của các thầy cô giáo và Ban Giám hiệu nhà trường. Cô giáo Nông Minh Tuyển, giáo viên Trường THPT Bắc Kạn – người hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện mô hình Sử dụng tia tử ngoại UVC bước sóng ngắn để diệt khuẩn cho biết: Hầu hết ý tưởng của các em đều cụ thể và phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường. Từ hoạt động này, không chỉ giúp cho giáo viên nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, còn tạo điều kiện cho học sinh phát huy ý tưởng lựa chọn đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của mình./.