Đam mê sẽ thành công
Căn nhà cấp 4 của ông Hoàng Thanh Tâm yên bình dưới bóng mát của vườn cây ăn quả. Tuy năm nay đã 75 tuổi nhưng ông Hoàng Thanh Tâm, tổ Bản Bia, thị trấn Yến Lạc (Na Rì) vẫn cần mẫn sáng tạo để hoàn thiện những cây đàn tính với mong muốn phổ biến nhạc cụ truyền thống tới nhiều người.
Vừa tỉ mỉ mài quả bầu sao cho tròn, nhẵn, ông vừa chia sẻ về niềm đam mê với cây đàn tính. Vốn là cán bộ kiểm lâm, trong một lần tuần rừng, ông nhặt được một cây đàn tính ai đó bỏ quên. Tò mò ông đàn thử, âm thanh dìu dặt đầy mê hoặc, ông "bén duyên" với cây đàn tính từ đó, nhưng công việc bận rộn cuốn đi, ông đành gác lại niềm đam mê. Khi nghỉ hưu, ông tiếp tục học chơi đàn và mày mò làm đàn tính. Năm 2012, ông tự sản xuất được cây đàn tính đầu tiên.
Để có vật liệu làm đàn Tính, ban đầu ông trồng cây bầu nhưng do tuổi cao, không nhiều sức khỏe, ông phát hạt giống cho người dân địa phương trồng rồi thu mua lại. Với ông, mỗi cây đàn tính đều là “đứa con tinh thần” nên luôn dành hết tâm huyết để nghiên cứu, chế tác. Mỗi tháng ông chế tác được 4 cây đàn tính, đến nay đã tặng, bán hơn 300 cây. Tuy tuổi đã cao nhưng ông luôn nghiên cứu, tìm hiểu và cập nhật công nghệ thông tin. Ông đã tự giới thiệu sản phẩm cây đàn tính qua mạng xã hội facebook. Lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu nên những cây đàn tính do ông chế tác được nhiều người biết đến, hiện có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Tâm chia sẻ: Chế tác một cây đàn tính ngoài niềm đam mê thì đòi hỏi vốn kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, đồng thời phải khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ. Bầu đàn phải chọn quả bầu già, tròn đẹp. Khâu xử lí bầu đàn là quan trọng hơn cả: Chặt đầu quả bầu rồi ngâm trong nước 12 ngày đêm cho ra hết đường, a xít, như vậy bầu đàn mới không bị mối mọt. Sau đó đem phơi 4 – 5 ngày cho bầu khô mới có thể chế tác. Cần đàn thì chọn gỗ già, mịn, ít vân, nhẹ để dùng được lâu, không bị cong vênh.
Một cây đàn hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước bầu, tuổi bầu, độ dày mặt đàn, lên dây chuẩn… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là kinh nghiệm và sự cảm thụ âm nhạc của người làm đàn. Vì vậy, bản thân ông thường xuyên học đàn và nghe hát then, lượn.
Dù tuổi cao, nhưng ngày ngày ông Tâm vẫn say mê với những cây đàn tính, không lúc nào "ngơi chân ngơi tay". Không chỉ vậy, để lan tỏa giai điệu dân tộc ông Tâm tham gia dạy đàn tính miễn phí cho những người yêu thích nhạc cụ dân tộc này tại thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn), xã Sơn Thành, Văn Vũ (Na Rì)… Với ông đây cũng cũng chính là niềm vui tuổi già.
Học không phân biệt lứa tuổi
“Tất cả tri thức đều trong sách, muốn hiểu biết phải chăm đọc sách. Không đọc, không học thì sẽ không biết. Là nông dân nên tôi cần đọc những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tế sản xuất, chứ không chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm”, đó là chia sẻ của ông Hà Thiêm Xuân, 74 tuổi ở xã Tân Tú (Bạch Thông).
Nhờ kiến thức học từ trong sách, ông đã áp dụng vào thực tế sản xuất. Với 5.000m2 đất nông nghiệp, ông tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ và lựa cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Trên diện tích đất hiện có, ông trồng dưa chuột, mướp và 2.000m2 trồng lúa. Ông tỉ mỉ chăm sóc từng loại cây trồng, luân canh tăng vụ, mỗi năm cũng cho gia đình nguồn thu nhập 100 triệu đồng.
“Còn khỏe, còn lao động để làm gương cho con cháu. Lao động giúp tôi có sức khỏe, có thu nhập. Niềm vui của tuổi già chính là không làm gánh nặng cho con cái”, ông Hà Thiêm Xuân bày tỏ.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, ông Xuân còn là tấm gương người cao tuổi tự học tiêu biểu. Những cuốn sách tiếng Anh được xếp thành từng chồng do ông tìm mua và tự học, rồi học qua mạng xã hội. Hiện ông đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh với người nước ngoài.
Ông Xuân chia sẻ: Trước đây, có thời gian tiếp xúc với người nước ngoài muốn trao đổi, nói chuyện nhưng gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy, cứ có thời gian, tôi lại tự học tiếng Anh. Ban đầu cũng rất khó khăn, tuổi già trí nhớ kém, phát âm khó nhưng học cách phiên âm rồi mua sách có dịch theo tiếng Việt. Dần dần cũng thấy học tiếng Anh không khó lắm. Cứ học vậy thôi, còn nhớ được là còn học được .
Còn rất nhiều những tấm gương người cao tuổi tự học, nâng cao kiến thức và tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội địa phương, tinh thần hiếu học của họ chính là tấm gương cho con cháu noi theo. Với tinh thần trách nhiệm, lối sống gương mẫu, tích cực giáo dục con, cháu chăm chỉ học tập, lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, trở thành người có ích cho quê hương. Tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi tham gia vào tổ chức chính trị cơ sở; xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc đã có 33 đại biểu người cao tuổi được trao chứng nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2024 của Hội Khuyến học tỉnh Bắc Kạn./.