TRỢ GIÚP PHÁP LÝ:

Nói chuyện chuyên đề về pháp luật với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

BBK - Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí, lành mạnh hóa quan hệ xã hội.

1.png
Buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin pháp luật về TGPL tại thôn Tọt Còn, xã Cao Thượng (Ba Bể).

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó nội dung TGPL được quy định tại nội dung 3 Tiểu dự án 1 Dự án 10 về tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TGPL cho các đối tượng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn (Trung tâm) đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Xác định công tác truyền thông giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về TGPL đến với người dân, giúp người dân tiếp cận thông tin TGPL hiệu quả, trong năm 2024, Trung tâm phối hợp với UBND các xã Bằng Thành (Pác Nặm); các xã: Cao Thượng, Khang Ninh (Ba Bể) và xã Bằng Vân (Ngân Sơn) tổ chức Chương trình nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin pháp luật về TGPL tại 8 điểm với 335 lượt người tham dự, cấp phát miễn phí 335 cuốn tài liệu.

Tại các buổi nói chuyện chuyên đề, người dân đã được nghe Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn, phổ biến các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể như: Các diện người được TGPL; quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; phạm vi, lĩnh vực và hình thức TGPL để người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số cư trú vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được biết và liên hệ đến các tổ chức thực hiện Trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Phổ biến các quy định của pháp luật khác như: Đất đai, hôn nhân và gia đình, giao thông đường bộ,… phân tích các tình huống pháp luật liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, từ đó giúp người dân nắm được các quy định pháp luật được dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Ngoài ra, các Trợ giúp viên pháp lý trực tiếp tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân xoay quanh các lĩnh vực như: Tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật hình sự,… giúp giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà người dân đang gặp phải.

Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin pháp luật về TGPL đã giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, những đối tượng thuộc diện được TGPL nói riêng trên địa bàn tỉnh hiểu thêm về quyền được TGPL miễn phí, trình tự, thủ tục yêu cầu TGPL và địa chỉ liên hệ khi có nhu cầu TGPL, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoạt động truyền thông về TGPL cho người dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, số ít chưa có ý thức tìm hiểu pháp luật nên tham gia chưa đầy đủ. Một số cá nhân, tổ chức có liên quan chưa thật sự quan tâm, chưa hiểu rõ chức năng, ý nghĩa, mục đích của công tác TGPL, dẫn đến một số người thuộc diện được TGPL có nhu cầu nhưng chưa được hướng dẫn tiếp cận với chính sách này.

2.png
TGPL tại thôn Tọt Còn, xã Cao Thượng (Ba Bể).

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách TGPL cho người dân, trong thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng khác nhau, từ đó giúp người dân thuộc diện được TGPL có nhiều cơ hội tiếp cận chính sách TGPL miễn phí, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với hoạt động TGPL, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung tâm TGPL Nhà nước với chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức có liên quan và đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để thực hiện có hiệu quả hoạt động TGPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in