Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 quy định: Ngày 04/10 hằng năm là Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Ngày 04/10 cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), điều này cho thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa lực lượng CAND với Nhân dân trong nhiệm vụ phòng, chống “giặc lửa”.
Phát động "Cao điểm 100 ngày đêm hưởng ứng, thi đua nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”. |
Hỏa hoạn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không có những biện pháp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản, thậm chí ảnh hưởng đến những khu vực lân cận. Xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” là một biện pháp thường xuyên và lâu dài, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy mà tỉnh Bắc Kạn quan tâm chú trọng suốt những năm qua.
Trung tá Dương Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.319 tổ, đội dân phòng và 1.520 đội PCCC cơ sở. Việc tổ chức huấn luyện cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở được thực hiện theo quy định. Công an tỉnh đã phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến theo hướng tự phòng, tự quản về PCCC, các mô hình an toàn PCCC như: Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư…
Đến nay, tỉnh đang triển khai, nhân rộng 09 mô hình an toàn PCCC và CNCH, gồm: Tổ dân phố an ninh nhân dân; Hộ an toàn - thôn, tổ bình yên; Đội thanh niên tình nguyện tìm kiếm cứu nạn sông nước; Cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, nhà cho thuê tự quản về an ninh, trật tự; Mô hình thực hiện có hiệu quả công tác hướng dẫn và tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC; Tổ tự quản về an ninh trật tự; Khu dân cư an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Tổ liên gia an toàn PCCC.
Quá trình triển khai thực hiện 09 mô hình, nhất là mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” và “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân và bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác của Nhân dân trong phòng, chống cháy nổ, sẵn sàng tham gia dập tắt kịp thời, hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Các địa phương trong tỉnh đã thành lập 63 điểm chữa cháy công cộng; 104 tổ liên gia an toàn PCCC. Tất cả các tổ, đội, điểm chữa cháy công cộng đều được trang bị phương tiện PCCC như: Bình bột chữa cháy, bình khí chữa cháy, đèn pin, rìu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực, quần áo, ủng, mũ và găng tay chữa cháy...
Hưởng ứng tích cực phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”, năm 2022 toàn tỉnh có 300 đơn vị (trong tổng số 506 đơn vị đăng ký) được Công an tỉnh công nhận điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã phát động, hướng dẫn 425 đơn vị đăng ký điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC.
Nhằm thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, Công an tỉnh đang tích cực triển khai “Cao điểm 100 ngày đêm hưởng ứng, thi đua nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”. Lực lượng Công an phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Nhân dân trong công tác PCCC&CNCH; vận động mỗi hộ dân tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy cầm tay. Mục tiêu đến ngày 30/11/2023 có 100% hộ dân trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có ít nhất 01 người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; hướng dẫn các tổ liên gia an toàn PCCC xây dựng, tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương…/.