Với chặng đường 10 năm xây dựng, trưởng thành, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã luôn đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, Kiểm ngư Việt Nam đã thực sự là “điểm tựa nơi đầu sóng” của bà con ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết hợp tặng cờ Tổ quốc và tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân - Ảnh: VGP/Quang Đạo |
Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cách đây vừa tròn 10 năm, ngày 15/4/2014, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức được thành lập. Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách, có chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản. Đồng thời, thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền Quốc gia trên các vùng biển; hợp tác quốc tế, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản đối với ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng biển của Việt Nam.
Thời gian qua, lực lượng Kiểm ngư đã ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển của cả nước. Lực lượng Kiểm ngư tại các địa phương cũng giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Đến đầu năm 2024, khoảng 98% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS, giúp cơ quan chức năng có thể theo dõi, quản lý hoạt động của các tàu cá trên biển qua phần mềm hệ thống VMS. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, lực lượng Kiểm ngư đã phát hiện và xử lý trên 12.000 lượt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), lập biên bản, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc lực lượng Kiểm ngư Việt Nam còn luôn gắn bó, đồng hành cùng bà con ngư dân trên mỗi hải trình vươn khơi, bám biển. Không chỉ nhận được sự giúp đỡ về vật chất, y tế, cứu hộ cứu nạn… Bà con ngư dân còn được lực lượng Kiểm ngư giúp đỡ khắc phục sự cố trang thiết bị tàu thuyền trước và trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày.
Cùng với đó, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, nhất là các tàu trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển luôn xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; "cứu ngư dân như cứu người thân của mình". Mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động thường xuyên xây dựng ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh; không quản khó khăn, gian khổ để bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân.
Cuối tháng 01/2024 vừa qua, quá trình khai thác hải sản, Tàu cá BĐ 98627 TS bị chìm tại vùng biển cách đông nam đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) khoảng 30 hải lý. May mắn là 5 ngư dân trên tàu đã được Tàu kiểm ngư KN 471 cứu kịp thời. Ông Võ Ngọc Dâng, ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Tàu cá BĐ 98627 TS xúc động nhớ lại: "Tàu gặp nạn, lênh đênh giữa biển khơi, nếu Tàu KN 471 không tới thì không biết chuyện gì sẽ đến với chúng tôi. Cán bộ, nhân viên kiểm ngư như đã tái sinh ra chúng tôi thêm lần nữa. Về đến đất liền, chúng tôi được gặp lại người thân, được thăm khám sức khoẻ, tặng nhu yếu phẩm cần thiết… Lực lượng kiểm ngư đã thực sự là điểm tựa vững để ngư dân chúng tôi luôn yên tâm mỗi khi đánh bắt xa bờ".
Lực lượng kiểm ngư hỗ trợ lai dắt tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển - Ảnh: VGP/Quang Đạo |
Nỗ lực vì ngành thủy sản xanh, bền vững
Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, những năm qua, tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã nêu cao quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo đồng chí Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), sau 10 năm đi vào hoạt động, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, chống khai thác IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vừa kiện toàn xây dựng tổ chức, bộ máy và đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Được biết, Việt Nam hiện đang có hơn 90.000 tàu cá hoạt động trên biển, với hàng triệu ngư dân trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia khai thác hải sản. Cả nước hiện có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập kiểm ngư địa phương và đi vào hoạt động, trong đó có 2 tỉnh thành lập Chi cục Kiểm ngư là Kiên Giang và Cà Mau. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, giữ vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển.
Mới đây, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa… Trọng trách gìn giữ, bảo vệ, phát triển bền vững vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp, chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng Kiểm ngư, cùng bà con ngư dân…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với ngư dân; xây dựng tổ chức bộ máy, hướng tới "chính quy, tinh nhuệ, hiện đại".
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân để bà con vững tin bám biển sản xuất, góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc với tinh thần "mỗi con tàu của ngư dân là một cột mốc sống trên biển"; tiếp tục phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo. Tập trung thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC để giữ uy tín, vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, giảm thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành kiểm ngư; đầu tư tàu xuồng kiểm ngư hiện đại; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, trong đó chú trọng phát triển kiểm ngư địa phương. Triển khai hiệu quả Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản; góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia "mạnh về biển, giàu từ biển".