Khi người dân chủ động phòng, chống “giặc lửa”

BBK -Vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12, rạng sáng 13/9, vẫn còn gây ám ảnh kinh hoàng với thiệt hại vô cùng to lớn về nhân mạng và tài sản. Sau vụ việc đau lòng này, thái độ, ý thức, trách nhiệm phòng, chống “giặc lửa” của người dân trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi.
Công an phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy.

Công an phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy.

Người dân tổ 6, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.

Người dân tổ 6, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.

Anh Phạm Ngọc Hà (bên trái) tiếp nhận bình chữa cháy đặt mua thông qua tổ dân phố.

Anh Phạm Ngọc Hà (bên trái) tiếp nhận bình chữa cháy đặt mua thông qua tổ dân phố.

Làm nghề thu mua nông, lâm sản nên trong nhà anh Phạm Ngọc Hà, tổ 6, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) có một số mặt hàng dễ bắt lửa. Trước đây có đôi lần được Công an phường đến tuyên truyền, vận động tự mua bình chữa cháy nhưng anh Hà vẫn chần chừ. Nhưng sau vụ cháy chung cư mini kinh hoàng ở Hà Nội, anh Hà đã chủ động nhờ tổ dân phố đăng ký mua bình chữa cháy.

Cách nhà anh Hà không xa, nhà may Thành Tư cũng vừa đặt mua bình chữa cháy. Gần đây, trước khi đi ngủ, anh Tư chủ động kiểm tra tắt các thiết bị điện trong nhà không dùng đến, đặc biệt là chiếc bàn là, vì đây là thiết bị có nguy cơ gây cháy cao.

“Cẩn thận không bao giờ thừa vì chỉ cần một phút lơ là với “giặc lửa” thì hậu quả sẽ khôn lường”, anh Vũ Văn Tư chia sẻ.

Tổ 6 có hơn 50 hộ dân thì có 20 hộ đã mua bình chữa cháy theo sự vận động của UBND phường Sông Cầu. Mới đây, có nhiều hộ dân đến Nhà Văn hóa tổ dân phố nghe cán bộ Công an phường tuyên truyền và ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.

Chị Hoàng Thị Thắm, Tổ trưởng tổ 6 cho biết: “Rất vui khi thấy nhiều hộ dân đã chủ động mua bình cứu hỏa theo sự vận động của UBND phường. Đây là bước chuyển biến về nhận thức của bà con trong công tác PCCC".

Cũng sau vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, gia đình chị Lộc Thị Hà, tổ 11, phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn) đã bỏ thói quen sạc xe máy điện qua đêm. Chị Hà cho biết: “Qua tuyên truyền tôi biết nếu sạc qua đêm ở trong nhà mà bị cháy sẽ gây hậu quả khôn lường vì xe điện bị cháy thì rất khó dập lửa, Do đó, nhà tôi không sạc xe điện qua đêm để hạn chế rủi ro”.

Không chỉ ở thành phố, tinh thần chủ động phòng ngừa hỏa hoạn của người dân địa bàn nông thôn cũng có chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới được ban hành.

Theo Trung tá Dương Văn Thắng, Phó Trưởng phòng PCCC và CNCH Công an tỉnh Bắc Kạn: “Trước đây lực lượng Công an đi vận động các hộ dân tự trang bị bình chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả các hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ gây cháy nổ cũng không mặn mà thực hiện. Nhưng gần đây, số lượng hộ dân trên địa bàn tỉnh đăng ký mua bình chữa cháy và phương tiện, dụng cụ PCCC tăng mạnh. Cụ thể: Toàn tỉnh có 35.514 hộ (chiếm tỷ lệ 42,63%) đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn theo vận động của cấp, ngành chức năng. Con số này phản ánh thay đổi tích cực trong nhận thức của chính người dân, là cơ sở để lực lượng chuyên môn xây dựng phòng tuyến vững chắc trên mặt trận phòng, chống “giặc lửa”./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in