Đối với tỉnh Bắc Kạn, đời sống người dân chủ yếu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó trồng và khai thác rừng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Những năm gần đây, thị trường về ngành hàng gỗ và chế biến lâm sản từ gỗ gia tăng, nhu cầu trồng rừng và mở rộng diện tích rừng của người dân cũng tăng lên. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ rừng trồng, giao khoán, khoanh nuôi tái sinh… của Nhà nước cũng đã tạo động lực để người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng.
Tuy vậy, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều tác động xấu đến rừng như tranh chấp đất rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên làm nương rẫy, phát phá rừng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội… của địa phương gia tăng. Từ những lý do đó nên diện tích rừng mỗi năm đều có sự dịch chuyển, biến động và nhiệm vụ đặt ra đối với Bắc Kạn về sự cần thiết của việc điều chỉnh lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) để đưa ra những diện tích không phù hợp cũng xuất phát từ đây.
Theo ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Việc rà soát, cập nhật hiện trạng 3 loại rừng đã được tỉnh cho chủ trương từ năm 2023, đến năm 2024 mới bắt tay vào tổ chức thực hiện. Mục đích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng thuộc các trạng thái đất vườn, nhà ở dân cư, đường giao thông, bóc tách rừng trồng từng bị chồng lấn lên rừng quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước đây. Nguyên tắc rà soát vẫn phải phù hợp với quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Đồng thời sẽ đưa vào quy hoạch 3 loại rừng những diện tích như: Rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch theo quy hoạch trước, những diện tích tại vị trí cao, dốc, tính năng phòng hộ cao”.
Khi có chủ trương và triển khai quy hoạch lại 3 loại rừng, nhiều hộ dân rất phấn khởi và đồng tình về việc đưa ra khỏi quy hoạch một số diện tích đất vườn, rừng trồng nằm trong quy hoạch mà lâu nay không thể khai thác, trồng mới.
Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: "Huyện Na Rì có nhiều diện tích rừng trồng cần đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để phù hợp với yêu cầu thực tế, vì đây đều là đất dân cư hiện hữu, đất trồng cây lâu năm của người dân. Việc đưa ra ngoài quy hoạch lần này là hoàn toàn cần thiết, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế từ rừng, đồng thời phù hợp với quy hoạch chung của huyện, tỉnh".
Diện tích đất có rừng của tỉnh Bắc Kạn là trên 374.000ha, trong đó có hơn 271.000ha là rừng tự nhiên, 102.000ha là rừng trồng, tỷ lệ độ che phủ chiếm 73,38%. Tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành rà soát, phân loại hiện trạng 3 loại rừng, tính đến nay mới có kết quả sơ bộ (chưa chính thức). Các địa phương tiếp tục đối chiếu, điều chỉnh, xác minh lại hiện trạng rừng đưa vào, đưa ra để có kết quả sát nhất với yêu cầu thực tế. Mục tiêu phấn đấu đến tháng 12/2024 có kết quả chính thức.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: "Chỉ đưa ra khỏi quy hoạch những diện tích rừng do dân tự trồng tập trung vùng ven các khu rừng đặc dụng để bà con phát triển sản xuất. Một số diện tích nhỏ lẻ cũng là rừng trồng của người dân nhưng nằm trọn vẹn các khu rừng đặc dụng sẽ giữ nguyên hiện trạng và không đưa ra quy hoạch".
Từ thực tế cho thấy chủ trương rà soát, điều chỉnh, phân loại rừng sẽ gỡ "nút thắt" rừng dân tự trồng bị chồng lấn quy hoạch rừng đặc dụng. Tuy nhiên xét ở khía cạnh khác người dân cũng phải nhận thức rõ về chủ trương khi đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng vì hiện nay Đảng và Nhà nước đang có nhiều chính sách về phát triển kinh tế lâm nghiệp như giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, hỗ trợ sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng dân cư, phát triển du lịch sinh thái... Vì vậy cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa mục đích việc phân loại 3 loại rừng để tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân./.
Hết