Toàn cảnh máy bay bị thiêu rụi trên sân bay Haneda. (Ảnh: REUTERS) |
Japan Airlines cho biết, công ty bảo hiểm sẽ chi trả khoản thiệt hại nêu trên và hãng hàng không này đang đánh giá tác động của vụ việc đến dự báo thu nhập trong năm tài chính sắp kết thúc vào ngày 31/3 tới.
Theo các nguồn tin trong ngành bảo hiểm, công ty bảo hiểm AIG của Mỹ là công ty bảo hiểm chính trong hợp đồng bảo hiểm "mọi rủi ro" trị giá 130 triệu USD cho chiếc máy bay phản lực thân rộng Airbus A350 vừa bị thiêu rụi sau tại sân bay Haneda ở Tokyo.
Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, đây là lần đầu tiên mẫu A350 bị mất thân máy bay như vậy. Dòng máy bay được làm chủ yếu từ hỗn hợp carbon này được đưa vào hoạt động thương mại từ năm 2015.
Ngày 03/01, cơ quan chức năng Nhật Bản đã tìm thấy hộp đen của máy bay thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Trong khi đó, hộp đen máy bay của Japan Airlines chưa được tìm thấy.
Sau đó cùng ngày, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản công bố dữ liệu thông tin liên lạc giữa các máy bay và kiểm soát không lưu cho thấy máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản không được phép di chuyển vào một đường băng của sân bay Haneda trước khi va chạm với máy bay của Japan Airlines.
Tuy nhiên, trước đó, cơ trưởng máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói với các điều tra viên rằng, ông đã được trạm kiểm soát không lưu cho phép điều khiển máy bay vào đường băng.
Toàn bộ 379 người trên máy bay của Japan Airlines đã sống sót sau vụ va chạm máy bay, trong khi 5 trong số 6 nhân viên trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã qua đời. Phi công của máy bay thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng.
Các nhà chức trách Nhật Bản vừa bắt đầu điều tra và vẫn chưa chắc chắn về các tình huống liên quan đến vụ tai nạn, trong đó có việc vì sao 2 máy bay cùng có mặt trên cùng một đường băng.