Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông diễn ra trong các ngày từ 18 đến 20 tháng Giêng. |
Từng được mệnh danh là lễ hội "nhất chợ Phủ", cho đến nay Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông vẫn có sức hấp dẫn rất riêng, thu hút đông đảo người dân bản xứ và du khách thập phương. Diễn ra trong 03 ngày (từ 18 đến 20 tháng Giêng), mỗi ngày Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông thu hút vài nghìn du khách trong và ngoài tỉnh du xuân, trẩy hội. Cao điểm trên cánh đồng Nà Liền Mạ (thị trấn Phủ Thông) chứa tới 16 nghìn người nô nức đến vui xuân, hòa mình vào các hoạt động sôi nổi của lễ hội truyền thống.
Đông đảo Nhân dân và du khách về dự hội. |
Từ nhiều năm nay, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được đông đảo Nhân dân, du khách thập phương yêu mến, đón đợi không chỉ bởi không khí lễ hội vui tươi rộn ràng mang thương hiệu riêng của Phủ Thông mà còn cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Con đường nội thị mới mở chạy thẳng tắp giữa hai bên là cánh đồng mênh mông trải rộng, phía xa những ngọn núi ẩn hiện giữa mây trời. Du khách gần xa hào hứng với những lễ hội dân gian truyền thống, cảm thấy thú vị bởi những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp duyên dáng của những người phụ nữ Tày trong điệu múa bát đắm say lòng người.
Màn múa bát truyền thống của dân tộc Tày. |
Đến với Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, Nhân dân và du khách được chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh và nghi lễ truyền thống, thể hiện sự tôn kính với Thánh Mẫu thượng ngàn, các vị thần linh, anh hùng, nghĩa sĩ đã gắn liền với sông núi, che chở, nâng đỡ để mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc.
Cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh trước ngày khai hội (19 tháng Giêng). |
Khác biệt lớn nhất so với các lễ hội lồng tồng trong tỉnh, ngoài ý nghĩa cầu an, cầu mùa trong phần lễ, thì Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông có dấu ấn riêng về yếu tố tâm linh. Các lễ hội khác thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng thần linh, siêu nhiên, còn Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông lại gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Nghi lễ cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh, thờ tự một vị anh hùng có công với quê hương, xứ sở. Đây cũng là “linh hồn” của Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, tạo nên sự khác biệt so với các hội xuân khác, đặc biệt là Đền Slấn Slảnh- nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân địa phương đã được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh vào năm 2023.
Những mâm lễ của các xã, thị trấn thành kính dâng lên thần linh. |
Năm 2023, Sở VHTT&DL Bắc Kạn đã triển khai sưu tầm, nghiên cứu hệ thống những giá trị văn hoá tại Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông để bảo tồn, phục dựng, định hướng giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống, đồng thời tạo sản phẩm văn hoá độc đáo phục vụ phát triển du lịch.
Năm nay, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được tổ chức theo quy mô cấp huyện, hướng đến mục tiêu trở thành một "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá các nét đẹp văn hóa, du lịch.
Cánh đồng Nà Liền Mạ lung linh trong những đêm hội. |
Sự thành công của hội xuân “chợ Phủ” được ghi nhận từ sức hút và sự hấp dẫn trong suốt 03 ngày tổ chức với các chuỗi hoạt động sôi nổi và văn hóa ẩm thực độc đáo. Tuy còn một vài “điểm trừ” trong công tác quản lý, tổ chức như việc thu vé gửi xe còn bất cập, chưa hoàn toàn khôi phục hết các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, song về cơ bản Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được phục dựng xứng danh là lễ hội “nhất chợ Phủ”, thu hút đông đảo du khách nhất so với các hội xuân trong tỉnh Bắc Kạn. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Hoạt cảnh tái hiện Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. |
Với những nét chung của một lễ hội "xuống đồng" truyền thống, vừa mang nét tín ngưỡng tâm linh riêng có, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông là sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo, điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện Bạch Thông. Đây cũng là lễ hội khép lại các hội xuân sôi động trong tháng Giêng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.