Đồng chí Hà Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; UBND huyện Bạch Thông.
Theo báo cáo đề dẫn, Hội thảo nhằm xác định tên gọi ngôi đền - nơi diễn ra lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. Tìm hiểu những giá trị văn hoá, nhân văn của lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. Những tục lệ, phong tục, nghi lễ của bà con dân tộc nơi đây. Công tác quản lý lễ hội trong thời gian tới…
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu làm rõ ý nghĩa của lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. Các đại biểu cũng cho ý kiến về lễ hội Lồng tồng Phủ Thông tại khu vực đền Slấn Slảnh, thờ vị quan phủ họ Dương (vị tướng họ Dương) tại cánh đồng Nà Liền Mạ. Chỉ ra những nét đặc sắc của lễ hội Lồng tồng tại địa phương. Cho ý kiến về bảo tồn, tổ chức lễ hội Lồng tồng gắn với phát triển du lịch.
Phát biểu chia sẻ, định hướng về công tác bảo tồn, phát huy lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lưu Văn Quảng mong muốn: Các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu bảo tồn, phát huy lễ hội theo hướng phát huy những nét riêng, khác biệt so với các lễ hội xuống đồng khác. Về nguồn gốc lịch sử, mong muốn tiếp cận theo hướng phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Xem xét đưa trò chơi dân gian vào lễ hội, để lễ hội ngày càng hấp dẫn...
GS.TS Lê Hồng Lý phát biểu tại Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tiếp tục phối hợp hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu; có giải pháp phát huy hiệu quả các giá trị của lễ hội Lồng tồng Phủ Thông”.
Chuyện kể rằng: Từ thời xa xưa ở vùng đất Vĩnh Thông (tên huyện Bạch Thông ngày xưa) loạn lạc triền miên. Giặc phương Bắc lại quấy nhiễu, ức hiếp cướp bóc của cải khiến Nhân dân hoang mang, cực nhọc lầm than. Trước tình hình đó, triều đình đã điều một vị quan phủ họ Dương, với một đạo quân có đủ tiềm lực voi, ngựa đến trấn giữ ở khu Nà Hái, xã Phương Linh (nay là phố Nà Hái, thị trấn Phủ Thông) nhằm bao vây, cô lập tiêu diệt giặc.
Trong trận quyết chiến ác liệt đấy, chẳng may vị quan phủ họ Dương bị giặc sát hại, chém thủ cấp rơi xuống đám ruộng ở cánh đồng Nà Phải (xứ đồng Nà Mồ), còn phần thân vẫn bám trên lưng ngựa rượt đuổi kẻ thù đến Phai Luông thì rơi xuống bờ sông thuộc địa phận thôn Nà Phải, xã Phương Linh (nay là thị trấn Phủ Thông).
Về sau, anh em họ Dương và bà con Nhân dân cùng nhau lập một ngôi đền đặt tên là Đền Slấn Slảnh, để hương khói, tôn thờ, tri ân vị quan phủ họ Dương đã có công giết giặc ngoại xâm, giữ cho quốc thái dân an và hy sinh anh dũng trên mảnh đất Vĩnh Thông (tức huyện Bạch Thông ngày nay). Cũng từ đó, hằng năm, vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, người dân bản địa tổ chức Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông.