Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine

BBK- Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock của Thụy Sĩ. Tổng thống nước chủ nhà Viola Amherd nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để các bên chia sẻ quan điểm, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho hòa bình ở Ukraine. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về cách thức và thời điểm Nga có thể tham dự tiến trình hòa bình này.

en5k7pms4zjthdnxa5mjmyrxum-7779-7259.jpg
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Ignazio Cassis và Thủ tướng Áo Karl Nehammer trong phiên khai mạc, Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine ngày 15/6. Ảnh: Reuters

Trong thông cáo báo chí, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đánh giá việc xây dựng một giải pháp lâu dài cuối cùng cần có sự tham gia của cả Nga và Ukraine.

Diễn ra trong hai ngày 15 và 16/6, Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine có sự tham gia của các đại diện đến từ hơn 90 quốc gia. Nga không tham dự hội nghị.

Khẳng định vai trò của Nga trong đối thoại

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng, để giải quyết tình hình ở Ukraine, cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm cải thiện đối thoại giữa Kiev và Moskva. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia nhấn mạnh, bất kỳ cuộc đàm phán đáng tin cậy nào nhằm tìm kiếm hòa bình cho Ukraine cũng đều cần có sự tham dự của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý cuộc đàm phán về hòa bình tại Ukraine cần có sự tham gia của Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Charles Michel nhận định, hòa bình sẽ chỉ đạt được thông qua đối thoại, do đó, Ukraine phải tự quyết định khi nào họ sẵn sàng cho một bước đi như vậy. Đồng quan điểm, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho rằng, nếu muốn hòa bình, đến một lúc nào đó Nga phải tham gia vào quá trình đàm phán. Tổng thống Chile Gabriel Boric nhận định rằng sự hiện diện của Nga có ý nghĩa then chốt trên bàn đàm phán.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đánh giá các điều kiện Nga đưa ra để giải quyết xung đột là những bước quan trọng mang lại hy vọng, trong đó có việc phát triển một chiến lược toàn diện, gồm các bước ngoại giao. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần tăng số nước tham gia vào quá trình thúc đẩy một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kêu gọi tăng cường các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được hòa bình lâu dài tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sẽ trình bày với Nga đề xuất chấm dứt xung đột sau khi được cộng đồng quốc tế nhất trí. Tổng thống Zelensky bày tỏ hy vọng hội nghị này sẽ đặt nền móng cho một giải pháp công bằng và lâu dài để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, ông không đề cập khả năng sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Italia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, Ấn Độ tiếp tục khuyến khích giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine thông qua đối thoại và ngoại giao. Tổng thống Modi nêu rõ, New Delhi sẽ tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ một giải pháp hòa bình.

Mỹ công bố viện trợ cho Ukraine

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố gói viện trợ 1,5 tỷ USD giúp Ukraine khôi phục hạ tầng năng lượng và giải quyết tình hình nhân đạo. Gói viện trợ được bà Kamala Harris công bố trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine trước thềm hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ.

Trong gói viện trợ nêu trên, khoảng 500 triệu USD dành cho ngành năng lượng Ukraine, cùng 324 triệu USD được điều chuyển từ những khoản chi công bố trước đó để hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp nhằm khôi phục hạ tầng năng lượng và đáp ứng những nhu cầu khác của Kiev.

Bà Harris cũng công bố hơn 379 triệu USD từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) dành cho hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ người tị nạn và bảo đảm cung cấp lương thực, nước uống, nơi ở, dịch vụ vệ sinh cho hàng triệu người dân Ukraine./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in