Hoàn thiện hành lang pháp lý về công chứng điện tử

BBK- Việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 1/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Đề xuất công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi

Trình bày Tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp.

Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề.

Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển. Một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về công chứng viên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định: người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo), cụ thể là phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng đối với những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành.

Ngoài ra, thời gian tập sự hành nghề công chứng được quy định là 12 tháng, áp dụng cho tất cả các đối tượng để bảo đảm sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ, gồm: đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe.

Bộ trưởng Lê Thành Long giải thích quy định này nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Bổ sung 4 điều mới quy định về công chứng điện tử

Liên quan đến công chứng điện tử, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều mới để quy định về nội dung này. Đó là, việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể. Đồng thời, quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy.

Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng chứ không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Về phạm vi công chứng điện tử, ông Thành cho biết trong quá trình thẩm tra có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử mà giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số vấn đề: xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; nêu giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người để có cơ sở thực hiện theo lộ trình; bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong việc thực hiện các yếu tố bảo đảm tính xác thực về ý chí, bảo đảm giấy tờ và chứng cứ được đối soát chính xác, đầy đủ, bảo đảm nội dung của giao dịch là hợp pháp nên việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt trong Luật chỉ nên quy định ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không nên áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế...

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ông Thành cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in