Hỗ trợ đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quảng bá sản phẩm

Từ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu. Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm CNNT. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Tham gia hoạt động kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ tại Hà Nội.
Các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh Bắc Kạn tham gia hoạt động kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ tại Hà Nội.

Tỉnh có 02 sản phẩm được chứng nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia (2021) gồm: Miến dong Tài Hoan (Hợp tác xã Tài Hoan), miến dong Nhất Thiện Ba Bể và nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp tỉnh, tiêu biểu như: Miến dong Chính Tuyển; Trịnh Năng Curcumin, Trịnh Năng gấc, tinh nghệ Bắc Kạn… Những sản phẩm này có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm có thế mạnh của tỉnh và có khả năng nhân rộng. Nhằm góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm này, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cả về sản xuất và tiêu thụ; kinh phí hỗ trợ tập trung vào các nội dung chính sách khuyến công, thông qua hỗ trợ về đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; phối hợp hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm CNNT; hỗ trợ thuê tư vấn, in bao bì sản phẩm CNNT; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu; giới thiệu, quảng bá trên trang web… Nhờ đó, sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Cụ thể trong hoạt động khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã triển khai hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm CNNT. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương khảo sát, lập đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phù hợp với khả năng tiếp cận của các cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sơ sản xuất, kinh doanh tham gia hội trợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, các hội nghị kết nối cung cầu…; ưu tiên giới thiệu vào các kênh tiêu thụ hiện đại, các siêu thị, điểm phân phối… Qua các sự kiện, một số cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Điển hình như Hợp tác xã Tài Hoan (Na Rì), từ nguồn kinh phí khuyến công được hỗ trợ và tiếp cận với nguồn Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp- APIF (thuộc Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ- CSSP) và vốn đối ứng. Hợp tác xã Tài Hoan chú trọng đầu tư máy móc, cơ sở vật chất và chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, riêng các nội dung tiểu dự án của Quỹ APIF, hợp tác xã đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ 1,6 tỷ đồng từ vốn tài trợ để đầu tư dây chuyền tráng bánh, sấy dẻo và các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với hệ thống máy tráng bánh, sấy dẻo hiện đại, năng lực sản xuất của Hợp tác xã Tài Hoan đã đạt 250 - 300 tấn miến/năm. Sản phẩm miến đã được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia (2021). Cùng với đó, sản phẩm miến dong của hợp tác xã được tạo điều kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo kết nối sản phẩm với khách hàng và các đối tác. Đến nay, sản phẩm miến dong Tài Hoan được tiêu thụ tại các đầu mối, siêu thị Big C, chuỗi cung ứng nông sản, các điểm bán… và xuất khẩu được hơn 40 tấn miến.

Đối với miến dong Nhất Thiện Ba Bể, Trung tâm cũng đã hỗ trợ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện trong hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Theo đó, hộ kinh doanh đã đầu tư phòng trưng bày với trang thiết bị phù hợp, tạo không gian hiện đại, tiện ích, giúp truyền tải đầy đủ thông tin về sản phẩm tới khách hàng. Ngoài ra, các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh cũng đã được Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng thông minh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên thị trường. Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn, phần mềm này giúp đơn vị hiện đại hóa công cụ bán hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ; giảm 30% thao tác và quản lý dữ liệu hàng hóa, giảm 30% hàng hóa thất thoát, tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí thuê nhân viên.

Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên thị trường.
Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh và quảng bá sản phẩm trên thị trường.

Hoạt động khuyến công đã tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đối với các cơ sở Công ty cổ phần công nghệ dược liệu Bắc Hà, Hợp tác xã Huấn Liên, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, Hợp tác xã Nhung Lũy…; hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm; hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì các sản phẩm của Hợp tác xã Tài Hoan, HTX Huấn Liên, HTX Thắm Lượm, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Nông nghiệp Tân Thành và các hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện, Hoàng Thị Mười…

Thời gian tới, ngoài các nội dung hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn cho cơ sở CNNT, phối hợp cùng với các đơn vị thụ hưởng triển khai các đề án, đảm bảo tiến độ, hiệu quả theo kế hoạch đề ra. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển tại chỗ nguồn lực được chú trọng, như kỹ năng thương mại điện tử, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Bên cạnh đó, quan tâm gia tăng giá trị cho sản phẩm CNNT tiêu biểu qua hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực thiết kế, nhãn mác, bao bì phù hợp với thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, hỗ trợ kết nối sản phẩm vào các hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển thương mại điện tử và ứng dụng kinh tế số cho phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Với nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển cho sản phẩm CNNT tiêu biểu đã và đang triển khai sẽ từng bước nâng cao công suất, chất lượng và mở rộng thị trường cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp cho sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh có cơ hội ngày càng vươn xa trên thị trường./.

Anh Thúy

Xem thêm

Video

Đọc báo in