Phát động từ tháng 9-2007, nhưng cuộc thi ảnh báo chí thường niên năm đầu tiên phải đợi đến những ngày gần cuối cùng mới xuất hiện tác phẩm để trao giải đặc biệt. Phóng sự ảnh Tùng Chỉn, dâu bể một giờ của hai tác giả Xuân Trường và Thông Thiện ghi lại những hình ảnh tang thương tại bản Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sau trận lũ quét rạng sáng ngày 9-8-2008.
Có mặt tại chỗ vài ngày sau trận lũ, khi mà đường vào bản vẫn còn bị chia cắt, hai phóng viên của TTXVN tại Lai Châu là Xuân Trường và Thông Thiện đã ghi lại những hình ảnh tan hoang đến nao cả lòng người. Nơi an cư của gần 200 con người trong hai mươi nóc nhà, sau trận lũ chỉ còn lại một bãi đá lổn nhổn. Duy nhất sót lại một mái nhà của gia đình ông Lý Kin Nùng khuất sau hẻm núi.
Tài sản của cả bản chỉ còn có thể tìm thấy là một chiếc xe máy, một đầu máy khâu hỏng, một ăng ten vô tuyến, nửa cái thớt dưới bằng đá của một cái cối xay đậu. 19 người chết và mất tích, cả một bản nhỏ người Dao bị xoá sạch chỉ trong phút chốc.
Gương mặt người đàn ông thất thần trước bãi đá vụn - nơi trước đây còn là nhà mình, bản mình, giọt nước mắt của bà mẹ mất con, bàn tay gom nhặt những mảnh gỗ vụn; hay cái nắm tay gồng mình vượt suối tới bản của phóng viên, bộ đội biên phòng bộ ảnh chứa đựng những thông điệp vừa mang tính thời sự vừa lay động lòng người.
Trao giải đặc biệt cho bộ ảnh này, với một giải ảnh báo chí năm đầu tiên tổ chức, cũng đã là một thành công, mở ra một hướng đi mới, một hy vọng mới cho thể loại ảnh lâu nay vẫn bị cho là lép vế trong một đất nước được coi là có phong trào nhiếp ảnh phát triển. Ngoài giải đặc biệt, nhóm ảnh đoạt giải nhất Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài của tác giả Lê Hoài Phương cũng đã thể hiện khía cạnh khác của thể loại ảnh báo chí: những vấn đề của xã hội và sự dấn thân của người cầm máy.
Tác giả Lê Hoài Phương qua bộ ảnh chụp tại Bình Thuận của mình đã thể hiện sự dũng cảm và kiên trì khi theo đuổi vấn đề nóng bỏng là bảo vệ môi trường, vấn đề của nhân loại. Những bức ảnh cũng nói lên kỳ công nghiên cứu, tìm hiểu của tác giả đối với đối tượng chụp cũng như bản lĩnh nghề nghiệp của người cầm máy. Những hình ảnh săn bắt khỉ đuôi dài, loài động vật quý hiếm tại rừng Núi Đền, xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam, Ninh Thuận, địa bàn giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông là một lời cảnh tỉnh cấp thiết và sâu sắc.
Bức ảnh đơn nhận giải nhất với gương mặt cháu bé Huyền Thương với hai hàng nước mắt chảy dài khi kể chuyện về Bác Hồ đã thuyết phục ban tổ chức bởi chủ đề tư tưởng khá rõ.
Một ảnh đơn và nhóm ảnh khác tại triển lãm cũng cho thấy sự nỗ lực tới gần hơn với những tiêu chí của thể loại ảnh báo chí đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, thực sự là "khoảnh khắc vàng" chứa đựng những thông tin nóng bỏng. Ít nhất, nó cũng cho thấy ảnh báo chí Việt Nam đã phần nào thoát khỏi những bóng bẩy, nhàn nhạt trong một lối tư duy đã quá cũ Đáng kể là các bộ ảnh về tình trạng vi phạm an toàn giao thông, bạo lực sân cỏ, bộ đội biên phòng chống buôn lậu
Tuy nhiên, xem tổng thể phòng triển lãm tại 45 Tràng Tiền, gồm một nhóm ảnh giải đặc biệt, hai giải nhất, ba giải nhì, sáu giải ba, chín giải khuyến khích cộng với gần 100 bức ảnh khác được chọn treo, vẫn thấy đâu đó lẫn vào những tác phẩm chưa hẳn là nên có mặt trong cuộc thi ảnh báo chí. Không thấy dấu ấn của sự nhạy bén cũng như khả năng phát hiện, thiếu sức nặng thông tin trong một số bức ảnh.
Và đặc biệt, dù như ban tổ chức cho biết, họ đã đưa tiêu chí chân thực lên hàng đầu, mọi kỹ xảo dẫn đến bóp méo hoặc làm sai lệch thông tin đều bị loại bỏ, nhưng đâu đó vẫn thấy có những bức ảnh mang tính dàn dựng, sắp đặt. Ngay cả những cái tên ảnh cũng còn thiếu tính báo chí.
Một số bức vẫn môtíp quá quen thuộc như đàn cừu trong nắng sớm, cánh đồng muối, nụ cười của những cụ già vùng cao mang lại cảm giác như nhặt đâu đó từ những cuộc triển lãm ảnh khác.
Ngay cả với bộ ảnh đoạt giải đặc biệt, nhìn tổng thể, vẫn thấy dường như tác giả đã để trượt mất khoảnh khắc thật sự vàng, mặc dù sự có mặt của họ tại điểm lũ quét đã được ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao. Nhưng chính ông Nguyễn Vinh Quang (Tổng Biên tập Báo ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chấm giải) cũng cho rằng, thời điểm bấm máy của họ chưa phải là lúc cao trào nhất của sự kiện, đó là một điều đáng tiếc. Và nếu so với chính bản thân của sự kiện đó, thì dù sự dấn thân của các tác giả và những hình ảnh họ ghi được là một nỗ lực rất đáng kể, nhưng vẫn cảm giác chưa tới tầm.
Tuy nhiên, với lần đầu tiên trao thưởng, giải ảnh báo chí thường niên vẫn mở ra những hy vọng mới cho thể loại ảnh đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao ở người cầm máy cũng như dành được sự quan tâm của công chúng. So với rất nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh khác, có thể nói đây là một giải ảnh đáng chú ý và là sân chơi mới cho những nhiếp ảnh gia theo nghiệp ảnh báo chí. Giải ảnh này cũng mở ra hy vọng cho một bước tới gần hơn với giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) cho các tay máy Việt Nam.
Danh sách các tác phẩm đoạt giải
Giải đặc biệt:
Tùng Chỉn, dâu bể một giờ (nhóm ảnh). Tác giả: Xuân Trường, Thông Thiện (Lai Châu).
Giải Nhất:
1. Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài (nhóm ảnh). Tác giả: Lê Hoài Phương (Bình Thuận).
2. Cháu Huyền Thương kể chuyện Bác Hồ (ảnh đơn). Tác giả: Lan Xuân (Nghệ An).
Giải Nhì:
1. Trên đại công trường Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (nhóm ảnh). Tác giả: Nguyễn Đăng Lâm (Quảng Ngãi).
2. Chung một mái nhà (nhóm ảnh). Tác giả: Huỳnh Công Bá (TP Hồ Chí Minh).
3. Các Hoa hậu Hoàn vũ tập thể hiện: "Tôi yêu Việt Nam" bằng tiếng Việt (ảnh đơn). Tác giả: Minh Quốc (TP Hồ Chí Minh).
Giải Ba:
1. Đại lễ Phật đản LHQ 2008 (nhóm ảnh). Tác giả: Trọng Chính (Hà Nội).
2. Bạo lực trên sân Vinh (nhóm ảnh). Tác giả: Lan Xuân (Nghệ An).
3. Trung đoàn H8 anh hùng (nhóm ảnh). Tác giả: Trọng Đức (Hà Nội).
4. Đừng về mẹ ơi (ảnh đơn). Tác giả: Vũ Thị Thái Bình (Hà Nội).
5. Bộ đội biên phòng Chi Ma chống buôn lậu (ảnh đơn). Tác giả: Trần Việt (Hà Nội).
6. Cú đá ghi 2 điểm của Nguyễn Trọng Cường trong trận chung kết Taekwondo SFA Games 24 (ảnh đơn). Tác giả: Nguyễn Trần Nguyên Khôi (TP Hồ Chí Minh).
Ngoài ra có 9 giải khuyến khích.