
Theo thông tin UBND huyện Pác Nặm cung cấp: Đối với Dự án án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt (gà ri lai) do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Pác Nặm làm chủ đầu tư và đơn vị chủ trì chủ trì liên kết bao tiêu sản phẩm là Hợp tác xã Lộc Tú Anh, quy mô dự án liên kết sản xuất 18.000 con (chia làm 3 chu kỳ sản xuất, với mỗi chu kỳ sản xuất 6.000 con/chu kỳ/năm). Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ 145 triệu đồng; kinh phí đối ứng hơn 536 triệu đồng. Số lượng tham gia là 12 hộ (trong đó 11 hộ dân tộc Tày, 01 hộ dân tộc Nùng).
Đối với Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thịt bản địa, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm làm chủ đầu tư; đơn vị chủ trì liên kết là Hợp tác xã Vạn Lộc, có quy mô liên kết sản xuất 1.200 con chia làm 3 chu kỳ sản xuất, mỗi chu kỳ sản xuất 400 con. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ 300 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ 200 triệu đồng; kinh phí đối ứng hơn 1 tỷ 100 triệu đồng. Số lượng tham gia có 35 hộ (trong đó có 04 hộ nghèo; 01 hộ nghèo khuyết tật; 01 hộ cận nghèo; 01 hộ thoát nghèo khuyết tật; 28 hộ trung bình).

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các đơn vị liên quan đã bám sát Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn để lựa chọn đối tượng tham gia với mục tiêu là ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều hộ không có khả năng đối ứng, nhiều hộ nghèo thiếu nguồn lực lao động, thiếu kỹ thuật, sợ rủi ro dịch bệnh; nhiều hộ đăng ký xong lại thay đổi không tham gia, một số hộ còn lo ngại không biết khi nào dự án mới được triển khai nên không đăng ký tham gia...
Xét theo quy định tại mục c, khoản 1, Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về Điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: “Đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định này và quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương”. Tại khoản 5, Điều 20 có ghi “Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo”).
Như đã nêu ở phần trên, việc lựa chọn các hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, đơn vị chủ trì liên kết mới lựa chọn các hộ là dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn để tham gia dự án. Sau khi xây dựng xong thuyết minh dự án, đơn vị chủ trì liên kết đã đề nghị UBND huyện (Phòng NN&PTNT- cơ quan thường trực) trình Hội đồng thẩm định của tỉnh thẩm định dự án. Dự án đã được Hội đồng thẩm định thông qua theo Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 12/08/2022 của UBND tỉnh, thẩm định ngày 18/8/2022.
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án thì đơn vị chủ đầu tư và chủ trì liên kết đã thực hiện theo đúng các nội dung theo quy định (tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1528/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn thay thế Quyết định 1750/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn). UBND huyện đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua kiểm tra thực tế (chu kỳ I đối với dự án lợn; chu kỳ II đối với dự án gà ri lai), khi trình thực hiện dự án, các hộ dân đều nhận được hỗ trợ theo quy định.
Trao đổi với phóng viên về việc tham gia nuôi gà theo Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt, bà Quách Thị Thạo, thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố cho biết: Gia đình đăng ký tham gia nuôi gà với số lượng 300 con, sau khi nuôi hơn 3 tháng gà đã được bao tiêu và bán hết với tổng số tiền thu được hơn 50 triệu đồng. Trừ chi phí đối ứng, tiền mua thức ăn chăn nuôi và một số vật tư khác, gia đình còn thu về được hơn 40 triệu đồng. Gia đình thuộc diện dân tộc thiểu số (dân tộc Tày) nên được tham gia dự án. Hiệu quả của dự án mang lại đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình mong muốn tiếp tục được tham gia dự án và nhân rộng mô hình.
Mặc dù được đánh giá có hiệu quả, nhưng sau khi kết thúc chu kỳ I, trong năm 2024 (cụ thể vào giai đoạn tháng 5, 6, 7), do tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên toàn tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Pác Nặm nói riêng, trong đó đã xảy ra tại địa phương đang tổ chức thực hiện dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ, thiệt hại vật nuôi của người dân. Trước tình hình đó đơn vị chủ đầu tư đã báo cáo UBND huyện xem xét dừng Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thịt bản địa và đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 5/7/2024./.