Nhiều cơ hội việc làm ổn định tại Khu Công nghiệp Thanh Bình

BBK - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp (KCN) Thanh Bình, huyện Chợ Mới đã hoạt động trở lại, nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Trước tình hình này, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động tiếp cận người dân địa phương để tuyên truyền, thu hút lao động.

img-8054.jpg
Công nhân Công ty Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc tại KCN Thanh Bình.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp tại KCN Thanh Bình tiếp tục tuyển dụng, nâng tổng số lao động lên hơn 1.000 người. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị vẫn chưa tuyển đủ lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo. Nguyên nhân chính là do nhiều lao động Bắc Kạn có xu hướng tìm kiếm việc làm ở các tỉnh ngoài, trong khi một số doanh nghiệp chưa có kế hoạch tuyển dụng cụ thể, chưa kịp thời thông tin để thu hút lao động.

Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ, hiện có gần 150 công nhân trực tiếp làm việc, mới đáp ứng được 2/5 dây chuyền sản xuất. Do vậy, công ty cần tuyển thêm khoảng 100 công nhân để đáp ứng đủ các đơn hàng đầu năm. Bà Nông Thị Kiểm, Phó Giám đốc công ty chia sẻ: "Chúng tôi triển khai nhiều hoạt động tuyển dụng như tuyên truyền trên mạng xã hội, phát tờ rơi tại những khu vực đông người. Đồng thời, công ty có chính sách ưu đãi đối với công nhân gắn bó lâu dài và hỗ trợ cho công nhân mới có tay nghề".

Tương tự, Công ty Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc đặt mục tiêu sản xuất 2.500m3 ván gỗ ép/tháng trong năm 2025 và đang mở rộng dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, số lượng công nhân hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên công ty tiếp tục tuyển dụng thêm.

Công ty Cổ phần Govina cũng đang trong giai đoạn phát triển, dự báo sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025 đạt khoảng 25.000m3. Số lượng công nhân làm việc tại đây dự kiến dao động từ 200 - 260 người. Hiện công ty cần tuyển thêm 100 lao động đi làm ngay với mức lương từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng, kèm theo các chế độ phúc lợi như lương thưởng ngày lễ, Tết, lương tháng thứ 13, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động ở xa, cùng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Ông Ngô Văn Hiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, cho biết công ty sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để thu hút lao động địa phương.

img-8213.jpg
Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam tuyển dụng công nhân tại huyện Bạch Thông.

Trước thực trạng thiếu hụt lao động tại KCN Thanh Bình, ông La Đình Chính, Phó Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Ban đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn, Đài PT-TH tỉnh và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nhận thấy lợi ích và cơ hội khi làm việc tại địa phương. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ tuyển dụng thông qua các chương trình giới thiệu việc làm, hội chợ việc làm và các kênh thông tin khác. Ngoài ra, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, cũng được chú trọng để giúp họ nhận thức rõ hơn về cơ hội việc làm ngay tại quê hương".

Ngày 18/02/2025, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1058/UBND/GTCNXD giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để xem xét, giải quyết đề nghị của Ban Quản lý các KCN Bắc Kạn. Đồng thời, sở này cũng được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các nội dung cần thiết để UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bắc Kạn hiện có khoảng 250.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó khoảng 70% là lao động nông thôn. Tuy nhiên, số lượng lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là nhiều lao động trẻ có xu hướng di chuyển đến các tỉnh, thành phố lớn để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn. Hiện có khoảng 40.000 lao động Bắc Kạn đang làm việc ngoài tỉnh và gần 10.000 người làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, KCN Thanh Bình đã có thêm diện tích đất sạch để thu hút nhà đầu tư mới, dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 03 - 05 dự án đầu tư mới, tạo ra nhu cầu việc làm cho hơn 2.000 lao động. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển 08 khu công nghiệp. Điều này đặt ra thách thức lớn về nguồn lao động, đặc biệt là lao động trẻ và lao động phổ thông, đối với các doanh nghiệp đang và sẽ hoạt động tại địa phương./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in