Đồng hành cùng con trong sử dụng internet

Internet và các thiết bị công nghệ số có thể là những công cụ hiệu quả giúp trẻ kết nối, khám phá, học tập hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà internet và các thiết bị công nghệ mang lại, có một thực tế đang khiến nhiều bậc cha mẹ băn khoăn, lo lắng thậm chí khá đau đầu khi không kiểm soát được thời gian các con sử dụng internet cũng như các nội dung mà các con xem.

Internet, thiết bị máy tính là những công cụ hữu ích nếu trẻ em được cha mẹ đồng hành hướng dẫn sử dụng đúng cách.
Internet, thiết bị máy tính là những công cụ hữu ích nếu trẻ em được cha mẹ đồng hành hướng dẫn sử dụng đúng cách.

Thực tế cho thấy: Sự ảnh hưởng, tác động không tốt của internet khá rõ ở các lứa tuổi từ nhỏ đến lớn.

Tại Hội nghị tập huấn cho các phóng viên các cơ quan báo chí về Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói, thiếu tập trung trong quá trình học, khó khăn trong giao tiếp và thể hiện bản thân có một phần nguyên nhân do trẻ sử dụng internet quá sớm, sử dụng quá mức, thiếu kiểm soát của cha mẹ về cả thời gian và nội dung.

Mai, một cô giáo mầm non trên địa bàn thành phố Bắc Kạn cho biết, tình trạng trẻ chậm nói của trẻ hiện nay khá phổ biến. Thường khi ở độ tuổi 18-24 tháng, trẻ đã nói khá tốt. Tuy nhiên, có khoảng 30% trẻ trong lớp của cô ở độ tuổi đó khi đi học nói rất ít, thậm chí có bé còn mới ê a tập nói, một số trẻ 3 tuổi còn chưa nói được. Việc tương tác với các trẻ này vì thế rất khó khăn.

Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tình trạng học sinh mất tập trung, học trước quên sau, kết quả học tập kém, thiếu các kỹ năng sống, giao tiếp không còn là cá biệt.

Để trẻ em sử dụng internet và các thiết bị công nghệ hiệu quả, tránh những tác động xấu không mong muốn nhất định phải có sự đồng hành của cha mẹ với con cái.

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, một số bí quyết mà cha mẹ cần tìm hiểu, hướng dẫn các con sử dụng internet an toàn đó là: Không nên cho trẻ dưới 3 tuổi sử dụng máy tính, thiết bị điện tử. Hướng dẫn trẻ các kỹ năng khi sử dụng máy tính như:

Ngồi đúng tư thế khi dùng máy tính. Nếu sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và điện thoạt sai tư thế trong thời gian dài thì có thể gây hại nghiêm trọng đến cổ, cột sống, mắt và ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Trẻ cần ngồi thẳng lưng, điều chỉnh màn hình vừa tầm mắt, ngồi cách màn hình 50-70 cm để giữ cho đôi mắt được khoẻ. Cứ 30-45 phút cần cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn.

Đề phòng chập điện khi dùng điện thoại và máy tính.

Không nói chuyện với người lạ trên mạng. Không tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng internet. Trước khi chia sẻ điều gì đó lên mạng cần cân nhắc kỹ. Bố mẹ cần kiểm soát các ứng dụng trước khi đồng ý cho trẻ tải về máy, chỉ vào những trang web phù hợp với lứa tuổi. Chú ý đừng vô tình trở thành kẻ bắt nạt trên mạng và có biện pháp đối phó khi bị bắt nạt trên mạng và điều quan trọng là cha mẹ hãy cùng con khám phá kho tài nguyên từ internet. Rất nhiều trang web để trẻ có thể học Tiếng Anh, Toán, Kho học…

Luyến, một bà mẹ có 2 con đang trong độ tuổi tiểu học ở thành phố Bắc Kạn là một người luôn đồng hành cùng con trong cuộc sống và nhất là việc hướng dẫn các con sử dụng internet an toàn cho biết: Mỗi khi các con lên mạng, tôi thường xuyên hỏi: “Con đang làm gì vậy? “Có gì thú vị mà con vui thế” “Bố mẹ có thể xem cùng con được không? để trò chuyện, lắng nghe con chia sẻ về các nội dung con đang xem hoặc một sản phẩm con sáng tạo ra. Như vậy, con biết rằng bố mẹ vẫn luôn ở cạnh, hỗ trợ khi con cần. Bản thân luôn cố gắng nêu gương cho con trong việc thực hành các thói quen tốt khi sử dụng thiết bị điện tử và khi lên mạng internet. Tôn trọng quyền riêng tư của con. Trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương và mất niềm tin nghiêm trọng nếu biết được bạn đọc email, tin nhắn của con mà không được sự cho phép của con.

Một số website học tập hữu ích cho thiếu nhi được giới thiệu để các cha mẹ tham khảo hướng dẫn con tìm hiểu đó là: 1.https://kids.nationalgeographic.com giúp trẻ tìm hiểu về thế giới xung quanh, đồng thời cung cấp môi trường vui vẻ, giáo dục bằng cách học qua video.

2.https:/artsandculture.google.com, nền tảng giúp học sinh khám phá thế giới qua hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công do hơn 1000 bảo tàng quốc tế, các galleries và tổ chức ở khắp thế giới cung cấp.

3. https:/scratch.mit.edu. Trang web học lập trình cho người mới bắt đầu, phù hợp với mọi lứa tuổi với các bài học hấp dẫn và thú vị. Trẻ có thể lập trình và tạo ra các trò chơi, hình ảnh vui nhộn.

4. https://newseumed.org. Cung cấp nguồn dữ liệu miễn phí giúp học sinh bồi dưỡng và phát triển những kĩ năng truyền thông thiết yếu cho cuộc sống hiện đại.

5.www.khanacademy.org là trang web thúc đẩy trẻ em toàn thế giới học tập và cam kết “thay đổi nền giáo dục tốt hơn bằng cách cung cấp những lớp học chất lượng, miễn phí cho bất kỳ ai ở bất cứ đâu”. Bill Gate là một trong số các nhà tài trợ của trang web này.

6.www.duolingo.com, nền tảng học ngôn ngữ miễn phí thường xuyên ở trong top đầu các ứng dụng ngôn ngữ được tải xuống.

7.http://www.howstuffworks.con, nuôi dưỡng tò mò vốn có của chúng ta cách trả lời các câu hỏi “như thế nào” và “tại sao” của các vấn đề từ khoa học, tiền bạc, công nghệ cho đến cơ thể con người bằng các video, hình ảnh minh hoạ thú vị…

Ngoài ra còn khá nhiều các trang web, ứng dụng giải trí hữu ích khác.

Không có một “khoá an toàn” nào có thể cài đặt trên điện thoại hay máy tính để chặn tất cả những nội dung không phù hợp đối với trẻ, chỉ có sự lắng nghe và chia sẻ giữa bố mẹ và con cái mới là chiếc “khoá” an toàn nhất cho con. Hãy kết nối, đồng hành với trẻ trong cuộc sống, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay với rất nhiều vấn đề đặt ra.

P.Thảo

Xem thêm

Video

Đọc báo in